Sau dịp Tết Nguyên đán, nông dân trên địa bàn huyện Nông Sơn tập trung cho việc tỉa dặm, chăm sóc cây lúa.
Vụ đông xuân năm ngoái, ông Trần Sắt (ngụ thôn Trung Phước Viên, xã Quế Trung) gieo sạ giống lúa Thiên ưu 8 và Quảng Nam 9. Năm nay, ông chỉ gieo trồng giống Thiên ưu 8 trên tổng cộng 4 sào ruộng. Hiện nay, do sâu bọ và chuột đồng cắn phá cây lúa nên ông Sắt đã tiến hành tiêu diệt chuột, phun thuốc diệt sâu bọ, dặm lại chỗ hư hỏng để lúa phát triển đều.
Ông Sắt cho biết: “Trước khi gieo sạ, tôi đã làm đất kỹ. Tuân thủ đúng lịch trình gieo nên cây lúa phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, do cây lúa bị chuột và sâu bọ cắn phá nên tôi đã phun thuốc diệt chuột và diệt sâu. Đồng thời, để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt, sau khi dặm, tôi sẽ bón phân thúc cho cây lúa”.
Với 2 sào ruộng gieo giống lúa cứng, bà Nguyễn Thị Thương (ngụ thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) cũng thường xuyên thăm đồng ruộng của mình. Bà Thương cho biết, sâu bệnh phát sinh, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa. “Tôi thăm ruộng liên tục, theo dõi tình hình của cây lúa cũng như sâu bệnh gây hại. Tôi đã tiến hành phun thuốc diệt mầm và sâu, dặm tỉa những chỗ cây lúa bị hư hỏng” - bà Thương chia sẻ thêm.
Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, mặc dù thời tiết bất lợi do không khí lạnh kéo dài nhưng nông dân trên địa bàn huyện đã gieo sạ đúng khung lịch thời vụ. Cụ thể, đã xuống giống cây lúa hơn 1.022ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiện nay tình hình sâu bệnh gây hại phát triển mạnh, phá hoại nghiêm trọng ở lúa giai đoạn đẻ nhánh và một số diện tích ruộng sạ sớm. Ngoài ra, ruồi đục nõn, sâu năn, sâu cuốn lá, bọ trĩ gây hại rải rác. Xác định đông xuân là vụ sản xuất chính, quyết định sản lượng lương thực cả năm nên Nông Sơn đã tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp từ rất sớm. Để đối phó với tình hình chuột cắn phá cây lúa, Phòng NN&PTNT đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã tổ chức cho người dân ra quân diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Nông Sơn năm 2020.
Ông Thắng cho biết thêm, bên cạnh sự chỉ đạo các cấp ở địa phương, nông dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng, chăm sóc cây lúa và thực hiện các biện pháp phòng chống sâu bệnh gây hại. Nếu phát hiện sâu bệnh, báo ngay với ngành chức năng địa phương để kịp thời xử lý. Tổ chức tập huấn sản xuất nông nghiệp đầu mùa cho nông dân 7 xã với tổng số 26 lớp/1.903 người tham gia. Ngành nông nghiệp huyện khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã chú trọng thực hiện phong trào diệt chuột, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.