Xây dựng là giữ gìn
Ông Nguyễn Văn An chia sẻ, tại thời điểm năm 2009 trở về trước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xã đảo hết sức khó khăn; việc cứu trợ cho xã đảo vào những lúc không khí lạnh, biển động dài ngày hầu như năm nào cũng có. Lúc đó, ngư nghiệp là ngành kinh tế chính của địa phương nên áp lực khai thác lên nguồn tài nguyên và hệ sinh thái ở xã đảo rất lớn, đến mức thành phố phải đưa vào diện quản lý đặc biệt các đối tượng tài nguyên mục tiêu như trai tai tượng, cua đá, tôm hùm, ốc vú nàng… do tình trạng giảm sút đáng kể. Cũng thời điểm này, Tân Hiệp chỉ mới đạt 3/19 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đầu người chỉ 12 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo gần 6%.
Theo ông An, danh hiệu khu sinh quyển là do thế giới công nhận, nhưng gìn giữ, phát huy danh hiệu đó để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân phải là nỗ lực của chính quyền và cộng đồng. Với ý nghĩa đó, cùng sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế, trong 10 năm qua Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân xã đảo Tân Hiệp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để đạt thành tích vượt trội trong xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đã tạo điều kiện cho các ngành kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển; cảnh quan môi trường được cải thiện, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa được giữ gìn, tôn tạo đã góp phần thu hút du khách đến với xã đảo. Nếu như năm 2009, lượng du khách đến Cù Lao Chàm chỉ đạt hơn 20 nghìn lượt thì đến cuối năm 2019 đã lên đến 425 nghìn lượt.
Với những nỗ lực trong việc giữ gìn, phát huy danh hiệu, tại Lễ kỷ niệm 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư chúc mừng, tặng quà nhân dân và cán bộ xã đảo Tân Hiệp. Đặc biệt, với những thành tích nổi bật trong xây dựng NTM, cuối năm 2019 nhân dân và cán bộ xã Tân Hiệp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”.
Mục tiêu và giải pháp trọng tâm của xây dựng NTM là phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, và đây cũng là một trong 7 tiêu chí của Khu sinh quyển: “Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư để xây dựng và thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển”.
Trong 10 năm, nhân dân xã đảo đã đồng thuận hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, di dời vật kiến trúc, góp sức thi công hạ tầng giao thông, nhà văn hóa… để xây dựng NTM gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái của đảo. Nhiều mô hình có sự tham gia của cộng đồng nhân dân xã đảo đã tạo tiếng vang rất lớn không chỉ trong nước mà còn quốc tế như chương trình “Nói không với túi ny lon”, khai thác và bảo tồn cua đá, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”.
Mô hình Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương đã và đang được đánh giá rất cao là minh chứng rõ nhất cho sự đồng thuận của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường Khu sinh quyển. Bãi Hương cũng là thôn đầu tiên của TP.Hội An được công nhận Khu dân cư NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2018.
Duy trì để phát huy
Từ 3 tiêu chí năm 2009, đến đầu năm 2019 xã đảo Tân Hiệp đã hoàn thành 19 tiêu chí và ghi dấu ấn nổi bật khi là xã NTM có mức thu nhập bình quân đầu người đến hơn 42,7 triệu đồng - cao nhất trong số các xã ở Quảng Nam, và không còn hộ nghèo. “Sau khi đạt chuẩn NTM, xã Tân Hiệp đang hướng đến xây dựng “Xã NTM kiểu mẫu” vào cuối năm 2020 với việc duy trì 19 tiêu chí NTM đồng thời thực hiện đạt chuẩn thêm 16 tiêu chí theo quy định của trung ương và tỉnh” - ông Nguyễn Văn An cho biết.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, quá trình xây dựng Tân Hiệp đạt chuẩn xã NTM, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường thời gian qua đã rất khó khăn. Trên chặng đường tới, để xây dựng “Xã NTM kiểu mẫu”, một “Miền quê đáng sống” xã Tân Hiệp phát triển bền vững lại càng khó khăn hơn, còn nhiều việc phải làm. Trong đó phải xác định rằng, kinh tế du lịch dịch vụ của xã đảo tuy có phát triển nhanh nhưng chất lượng chưa đảm bảo, thiếu tính bền vững; một số hạ tầng kỹ thuật như giao thông, công trình vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải, rác thải, nước sinh hoạt… luôn trong tình trạng quá tải do áp lực phục vụ số lượng lớn du khách trong một thời điểm nhất định, dẫn đến nhanh xuống cấp, hư hỏng; môi trường sinh thái, đa dạng sinh học bị đe dọa do khai thác chưa hợp lý.
Đề án phát triển bền vững Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An giai đoạn 2015 - 2030 và tầm nhìn 2050 đã xác định rõ mục tiêu tạo ra các mô hình trình diễn, thể hiện tích cực quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa phát triển và bảo tồn, thực hiện bền vững phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các giá trị văn hóa bản sắc - bảo vệ môi trường.
“Với vị trí chiến lược quan trọng, quan điểm, phương hướng xây dựng xã NTM Tân Hiệp trong những năm đến là xây dựng và phát triển xã đảo năng động, bền vững trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nhân văn. Kinh tế - xã hội - môi trường phát triển đảm bảo tính bền vững trong mối quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh để nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của nhân dân” - ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định.