Nhiều trâu bò nhiễm bệnh
Những ngày này, nhiều hộ dân ở huyện Thăng Bình rất lo lắng vì bệnh LMLM lây lan diện rộng. Hiện các hộ tập trung phòng chống, sử dụng mọi biện pháp để chữa lành vết thương cho gia súc.
Ông Bùi Đăng Hùng (50 tuổi, thôn An Mỹ, xã Bình An, Thăng Bình) cho biết, ngày 2.2 ông phát hiện con trâu của gia đình có biểu hiện sùi bọt mép, lở loét ở miệng, móng chân và bỏ ăn. Nhận thấy các triệu chứng này trùng với bệnh LMLM nên ông đã báo với cán bộ thôn và thú y cơ sở đến tiêm phòng, phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại. Gia đình ông cũng tự tiến hành nhiều biện pháp phòng chống khác.
Cũng tại thôn An Mỹ, 3 ngày nay ông Trần Đình Thục (52 tuổi) phải sử dụng nhiều biện pháp để điều trị bệnh LMLM trên con trâu của gia đình, mắc bệnh vào ngày 9.2. “Tôi rất lo lắng vì bệnh bùng phát mạnh ở địa phương. Nhà nông phải chủ động cách ly gia súc, không chăn thả thì mới có thể hạn chế lây lan cho vùng khác” - ông Thục nói.
Tại huyện Phú Ninh, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, một số ổ dịch LMLM xuất hiện ở các xã Tam Đàn, Tam An, Tam Dân, Tam Vinh, Tam Thành. Tuy nhiên công tác quản lý, phát hiện và báo cáo tình hình dịch ở các địa phương không kịp thời. Khi cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra, hầu hết gia súc mắc bệnh LMLM đang trong quá trình lành bệnh. Sau tết có thêm 2 ổ dịch mới tại xã Tam Lãnh và Tam Thành với 13 con trâu bò nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Thường - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Phú Ninh cho biết, tuy mức độ lây lan chưa rộng và thể bệnh nhẹ do các địa phương đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng trong thời gian qua, tuy nhiên công tác phát hiện, báo cáo chậm. Cùng với đó là việc áp dụng các biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng chưa tốt và đồng bộ nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng trong thời gian tới.
“Trước thực trạng này, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch LMLM trên gia súc và dịch cúm A (H5N1) ở gia cầm trên toàn huyện. Đơn vị cũng đã tăng cường theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp kỹ thuật để phòng chống dịch; đồng thời chuẩn bị vắc xin, hóa chất khử trùng để phục vụ công tác này trên địa bàn” - ông Thường nói.
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh đạt thấp
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam, tính đến ngày 7.2, dịch LMLM xảy ra trên đàn trâu bò ở 8 huyện, thị xã: Điện Bàn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình với hơn 250 con trâu bò mắc bệnh, chưa có trường hợp chết. Trong đó, Thăng Bình có gia súc mắc bệnh nhiều nhất với hơn 160 con.
Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết, bệnh LMLM chủ yếu xảy ra trên đàn gia súc chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Do trong năm 2019, các địa phương tập trung cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM đạt tỷ lệ thấp, không đảm bảo phòng bệnh.
Cũng theo ông Nam, hiện nay, hầu hết người chăn nuôi đã biết cách chăm sóc, xử lý vết thương khi gia súc mắc bệnh LMLM. Chi cục cũng đã sử dụng nguồn vắc xin của tỉnh để cấp cho địa phương tổ chức tiêm phòng bao vây khống chế ổ dịch. Bên cạnh đó, nhờ các địa phương đã tổ thực hiện tốt Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh vào cuối năm 2019 nên đến nay bệnh LMLM đã được kiểm soát.