hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Làng nghề truyền thống vào xuân (22/01/2020)
Không khí sản xuất ở các làng nghề truyền thống xứ Quảng tất bật hơn bao giờ hết, xuân đã len lỏi trong từng nếp nhà, làng quê...
 

Làng nghề bánh tráng Phú Triêm vào vụ tết.

Làng nghề bánh tráng Phú Triêm vào vụ tết. Ảnh: TRIÊU NHAN

Hối hả làng nghề tráng bánh

Tại làng nghề truyền thống Phú Triêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), những ngày cuối năm tranh thủ nắng lên, bà con đưa những vỉ bánh tráng đa nướng, bánh tráng cuốn, bánh lề, bánh gạo lức đem phơi để kịp giao hàng và dự trữ hàng cung ứng tết.

Làng nghề Phú Triêm hiện chỉ còn vài chục hộ giữ nghề tráng bánh, nằm rải rác ở thôn Triêm Trung 1, Triêm Trung 2 và một phần thôn Triêm Đông. Trong khi nhiều nơi, các làng nghề tráng bánh đã dần đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng thì ở làng nghề Phú Triêm, những nét quê hồn hậu vẫn còn được lưu giữ. Làng nghề cũng thỉnh thoảng đón các đoàn khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu các công đoạn tráng bánh, trải nghiệm nét mộc mạc của làng quê.

Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Triêm Trung 1) - người có thâm niên 20 năm tráng bánh ở làng nghề cho biết, thị trường bánh nướng hiện bán rất chạy, không chỉ tiêu thụ tại chỗ mà cơ sở bà còn cung cấp sỉ đi Đà Nẵng, Hội An. Mỗi vỉ bánh nướng mỏng 13 cái có giá 15 nghìn đồng, riêng loại bánh nướng dày và nhiều mè hơn thì giá cao hơn. Mỗi ngày, bà Nga tráng được 50 vỉ bánh, những tháng cao điểm lên đến 1.500 vỉ, song vẫn không đủ cung ứng thị trường.

Dịp tết, cơ sở bà Nga và nhiều cơ sở ở làng nghề phải hoạt động đêm ngày mới đủ hàng bỏ mối cho khách. “Tôi vẫn sử dụng lò tráng bánh thủ công, sử dụng nhiên liệu là củi, trấu, mùn cưa để tráng bánh vì người tiêu dùng ở đây rất chuộng bánh tráng theo phương thức này” - bà Nga chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhân (thôn Triêm Trung 1) cũng giữ phương thức tráng bánh truyền thống với nồi tráng bánh thủ công, nhưng đã cải tiến một vài công đoạn sản xuất để tiết giảm nhân công. Bà Nhân đã sử dụng máy xay bột gạo, cho năng suất gấp 5 lần cối xay bình thường; đồng thời dùng thiết bị điện để làm nóng nước tráng bánh thay vì đun củi.

“Tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng làm việc đến 3 giờ chiều; riêng dịp tết tranh thủ làm thêm 2 - 3 tiếng nữa mới kịp giao bánh” - bà Nhân nói. Mỗi ngày, bà Nhân tráng được 700 - 800 cái bánh, chủ yếu bánh đa nướng mè đen, mè trắng và bánh lề (dùng để làm ram, cuộn thịt chả), cho thu nhập 300 - 400 nghìn đồng/ngày.

Bánh truyền thống hút hàng

Trung tuần tháng Chạp trở đi, không khí tại làng bánh truyền thống Tân Phong (xã Duy Châu, Duy Xuyên) mới rộn ràng, tất bật. Nhưng để có đủ nguyên liệu làm bánh tết, nhiều nhà dân phải chuẩn bị nguyên liệu gồm gạo nếp cháy nổ, bột nếp, đường đen, mè đen... trước đó cả tháng trời.

Với những hộ sản xuất bánh nổ, từ đầu tháng Chạp tới nay, nhiều nhà sớm hôm thay phiên nhau nổi lò rang (chấy) nổ từ nguyên liệu gạo nếp. Mẻ dùng để rang nổ là nồi bằng gang, được chụm bằng củi nhỏ, hạt nếp chín, bung vỏ, trắng ngần, thơm phức, được sàng sảy loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài rồi mới cho vào các bao bọc kỹ để giữ độ giòn.

Cả làng Tân Phong có chục hộ sản xuất bánh nổ và các loại bánh in, bánh tét, bánh tổ, bánh mè để cung ứng cho thị trường với số lượng lớn. Đó là chưa kể những hộ làm bánh nhỏ lẻ để sử dụng trong gia đình và cung ứng cho mối quen, người thân, tận dụng công lao động nhàn rỗi dịp tết.  

Ông Đỗ Văn Tuấn - chủ một cơ sở lớn ở Tân Phong cho biết, thời điểm này ông bắt đầu giao hàng bánh nổ cho các mối quen đưa đi Đà Nẵng, Huế và địa bàn Duy Xuyên, Đại Lộc. “Mỗi ngày tôi bán ra 4 vạn bánh, nếu tính cả vụ tết thì có cả chục vạn bánh đã bán ra thị trường. Làm xong bánh nổ là tôi bắt đầu chuyển qua làm bánh in, bánh tét, bánh tổ, bánh da, bánh mè” - ông Tuấn nói.

Trong khi nhiều hộ sản xuất bánh nổ bằng đường trắng cho màu đẹp thì cơ sở bà Lê Thị Bốn (thôn Tân Phong) vẫn trung thành với dòng bánh nổ làm từ đường tán, cho màu sậm, vị đậm đà hơn. Ngoài các công đoạn cháy nổ, bà Bốn còn thắng đường đen (đường tán), đánh đường, xay gừng nhuyễn trộn vào đường, nổ, trộn đều, sử dụng các khuôn có sẵn để in bánh, sấy khô bánh bằng than hồng.

Sản phẩm bánh Tân Phong đang được chính quyền địa phương hỗ trợ gắn nhãn mác, logo, từng bước xây dựng mã vạch để đưa sản phẩm vươn tới các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, giúp nâng giá trị sản phẩm làng nghề mỗi dịp tết đến xuân về. 

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  526 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 121 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 90 120
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com