hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xây dựng nông thôn mới vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Kỳ 1) (02/01/2020)
Vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm 13 tỉnh, thành phố với số dân khoảng 15 triệu người. Ðây là vùng có địa hình bị chia cắt, khí hậu phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, hạn hán và có xuất phát điểm thấp, nên việc xây dựng nông thôn mới (NTM) gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và sự chung tay của người dân, đến nay, tại khu vực này đã có 604 xã, chín đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hơn 60 khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Xây dựng nông thôn mới vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Kỳ 1)

Huyện Tây Giang (Quảng Nam) gắn xây dựng nông thôn mới với bảo tồn văn hóa.

Bài 1: Sức sống mới trên những miền quê

Trong gần 10 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo ra sức sống mới ở nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo trong huy động sức dân tham gia xây dựng NTM. Ðời sống nhân dân từng bước được cải thiện, hộ làm ăn khấm khá tăng lên, hộ nghèo giảm rõ rệt.

Khơi dậy sức dân

Rời trung tâm TP Tam Kỳ, theo quốc lộ 40B ngược lên vùng tây tỉnh Quảng Nam chừng hơn 50 km, chúng tôi đặt chân đến huyện miền núi Bắc Trà My. Nơi đây, một thời được nhiều người biết đến do liên tục xuất hiện các trận động đất. Bây giờ nỗi lo lắng về động đất dần lùi về dĩ vãng và đang sôi động những câu chuyện về xây dựng NTM.

Trong câu chuyện cuối năm, một đồng chí cán bộ huyện say sưa kể với chúng tôi rằng, hồi tỉnh mới phát động xây dựng NTM, huyện Bắc Trà My còn khó khăn lắm, đời sống người dân miền núi thiếu thốn, lại thêm tình hình động đất kích thích xảy ra liên tục khi hồ Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã gây xáo trộn cuộc sống và lo lắng cho người dân. Những năm đầu xây dựng NTM, dù Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng công tác triển khai không dễ. Muốn làm đường giao thông thôn phải có mặt bằng, phải vận động người dân dời hàng rào, nhường đất mới thi công được.

Bí thư Chi bộ thôn 4 (xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) Nguyễn Văn Tuấn nhớ lại, cách đây chừng 5 năm, thôn 4 được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa thôn. Trong lúc cấp ủy đang loay hoay tìm đất để xây dựng nhà văn hóa thôn thì rất may, gia đình ông Ðinh Văn Xuôi tự nguyện góp mảnh vườn gần 500 m2 để xây dựng nhà văn hóa thôn. Cảm kích tấm lòng của ông Xuôi, cấp ủy đã vận động bà con đóng góp 6,5 triệu đồng để hỗ trợ gia đình ông Xuôi. Người dân trong thôn còn góp tiền, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn và sân bóng chuyền.

Chủ tịch UBND xã Trà Tân Phạm Mạnh Cường thông tin, thời gian qua, chính quyền địa phương luôn nhận được sự chung tay, góp sức của người dân trong việc xây dựng NTM. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng chục ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa. Ðến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã cơ bản được xây dựng kiên cố. Nhờ đó, năm 2017, xã Trà Tân được công nhận xã NTM.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Nam Lê Ngọc Trung cho biết, dù đời sống ở nhiều nơi vẫn còn khó khăn, nhưng khi địa phương vận động xây dựng NTM, người dân hưởng ứng rất tích cực. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 28.130 tỷ đồng thực hiện chương trình NTM, trong đó vốn nhân dân đóng góp quy ra giá trị hơn 1.531 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2018, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp gần 70 nghìn ngày công, hiến hơn 250 nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa, với tổng giá trị 40 tỷ đồng. Còn trong năm 2019, người dân trong tỉnh đóng góp đất, ngày công cho việc xây dựng các công trình dân sinh, với giá trị 75 tỷ đồng.

Không chỉ ở Quảng Nam, nhiều tỉnh khác trong khu vực như: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Ðồng… việc huy động sức dân cho xây dựng kết cấu hạ tầng được các địa phương quan tâm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được chú trọng đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.

Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch MTTQ xã Ðạ Sar (huyện Lạc Dương, Lâm Ðồng) Ha Rô Ky bộc bạch: "Trước năm 2010, khi xã bắt đầu triển khai phong trào xây dựng NTM, đời sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn, gần 19% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ 12 triệu đồng/năm. Bởi kế sinh nhai chủ yếu phụ thuộc vào cây cà-phê, nhưng giá cả bấp bênh, nên cái khó, cái nghèo cứ đeo bám nhiều hộ gia đình". Từ quá khứ nghèo tới miền quê ấm no, trù phú hôm nay là câu chuyện cổ tích dưới chân Bidoup - Núi Bà. Trong câu chuyện với chúng tôi, Krajan Ha Têm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 2, xã Ðạ Sar, vui mừng: "Thôn mình giờ không còn hộ đói, chỉ còn năm hộ nghèo, cận nghèo. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã biết tính toán để phát triển kinh tế, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Từ mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, mình đã xây được ngôi nhà gần hai tỷ đồng".

Cùng với hình mẫu của buôn làng trong phát triển kinh tế, năm 2010, khi xã Ðạ Sar bắt tay xây dựng NTM, Ha Têm đã vận động gia đình hiến 720 m2 đất để làm hội trường thôn và nhà sinh hoạt cộng đồng. Noi gương Ha Têm, nhiều hộ dân tích cực đóng góp công sức, vật chất để cùng xây dựng NTM.

Trong gần 10 năm qua, có khoảng 11.000 km đường giao thông nông thôn ở vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã được xây dựng mới bằng bê-tông hoặc nhựa hóa; 100% số xã có điện lưới quốc gia và hơn 99% số thôn, bản có điện. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được đầu tư nâng cấp; bước đầu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng. Trong đó, tỉnh Ðắk Lắk và Quảng Ngãi là những địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ tăng tỷ lệ xã có trạm y tế kiên cố.

Chuyển đổi mô hình sản xuất

Cơn mưa rừng bất chợt giữa mùa khô Tây Nguyên không kéo dài như câu chuyện các dân tộc anh em Chu Ru, Cơ Ho, Kinh… chung sức, đồng lòng xây dựng Ðơn Dương (Lâm Ðồng) trở thành huyện NTM đầu tiên ở Tây Nguyên. Trước đây, bà con Ðơn Dương làm nông nghiệp rất vất vả. Ðất đai mỡ màu là vậy, nhưng sản xuất chỉ đủ ăn là tốt lắm rồi. Giờ thì khác, nông nghiệp công nghệ cao, chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt nơi đây.

Bí thư Ðảng ủy xã Ka Ðô Nguyễn Khánh Chỉnh say sưa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện trên hành trình xây dựng NTM. Ka Ðô có chín thôn, trong đó có năm thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Trước khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, năm 2010, xã Ka Ðô chỉ đạt 8 trong số 19 tiêu chí, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Bí thư Huyện ủy Ðơn Dương Ðinh Ngọc Hùng cho hay, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành; qua 5 năm triển khai, Ðơn Dương vinh dự là huyện NTM đầu tiên tại Tây Nguyên và hiện đang được chọn làm mô hình điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh. Từ một vùng đất thuần nông, với giá trị sản xuất bình quân hơn 16 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,4 triệu đồng (năm 2010), đến nay, Ðơn Dương trở thành vùng chuyên canh rau thương phẩm hàng đầu cả nước, giá trị sản xuất hơn 250 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm. Toàn huyện có hơn 10,4 nghìn ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm hơn 89% diện tích canh tác và đang từng bước tiếp cận nền nông nghiệp 4.0.

Phát triển kinh tế và đổi mới hình thức sản xuất được cấp ủy, chính quyền địa phương vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quan tâm. Trong đó, việc phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được tập trung chỉ đạo thực hiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng. Các tỉnh, thành phố vùng ven biển Nam Trung Bộ đã chú trọng phát huy kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sản lượng thủy hải sản khai thác ước đạt 887,5 nghìn tấn/năm (chiếm 29,2% sản lượng cả nước); số lượng tàu đánh bắt hải sản có công suất từ 90 CV trở lên: 11.673 chiếc (chiếm 40,7% cả nước).

Vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa là nơi có nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao như cá ngừ, tôm hùm, hải sâm... Những năm gần đây, việc chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu ở các tỉnh có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên đang chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ một số cây có giá trị thấp sang trồng rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp và hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai hiệu quả, nên Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ che phủ rừng đạt 46%, cao nhất cả nước.

Một số tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình chuẩn, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn phát triển theo chuỗi liên kết. Nhiều địa phương chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðiển hình như tỉnh Lâm Ðồng, hiện nay, có khoảng 54.477 ha đất canh tác sản xuất được người dân ứng dụng công nghệ cao (chiếm 20% diện tích đất canh tác), trong đó có khoảng: 18.000 ha đạt từ 250 đến 500 triệu đồng/ha/năm, 13.000 ha đạt từ 500 triệu đến một tỷ đồng/ha/năm, 1.500 ha đạt từ một đến hai tỷ đồng/ha/năm. Hiện, tỉnh Lâm Ðồng là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng rau, hoa xuất khẩu.

Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khu vực nông thôn của các tỉnh vùng ven biển Nam Trung Bộ đạt khoảng 27,87 triệu đồng/người, còn vùng Tây Nguyên đạt khoảng 30,45 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh vùng ven biển Nam Trung Bộ còn khoảng 6,49%, vùng Tây Nguyên còn khoảng 10,36%.

Bộ mặt nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong khu vực ngày càng được nâng cao. Nhiều địa phương chú trọng đến công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm về sản xuất nông nghiệp đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ðiều này đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần thúc đẩy nông thôn phát triển nhanh và bền vững hơn.

(Còn nữa)

 

BÀI, ẢNH: TẤN NGUYÊN, PHONG NGUYÊN VÀ VĂN BẢO

Theo nhandan.com.vn

Lượt xem:  761 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 120 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 90
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com