Ngoài những loại cây trái bản địa như mít, xoài, ổi, quýt, cam, lòn bon thì Đại Bình còn có nhiều loại khác, vốn chỉ có ở các tỉnh phía Nam như sầu riêng, măng cụt, vú sữa… Trong đó, một loại cây mà chỉ có ở Đại Bình: bưởi trụ - người làng thường gọi ngắn gọn là “trụ”. Bưởi trụ thuộc dòng bưởi, vỏ dày, bên ngoài có một lớp lông mịn chỉ khi sờ tay mới cảm nhận được, bên trong có nhiều múi nhỏ, ăn có vị ngọt thanh.
Giai thoại
Là người dân Đại Bình, ai cũng tự hào vì làng mình có cây bưởi trụ. Nhưng khi hỏi về nguồn gốc của loại cây này, khá nhiều người mơ hồ. Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Đình Bá - Trưởng thôn Đại Bình, nhưng ông Bá bảo mình không chắc lắm và đưa chúng tôi đi gặp một người am hiểu hơn.
Căn nhà của ông Trần Hưng (82 tuổi), người mà chúng tôi tìm đến, nằm ở bìa làng, giáp với sông. Ông kể, trước năm 1945, trong làng có ba người rất giàu, đất đai trù phú. Ông Hưng chỉ nhớ người làng hay gọi là các ông Huỳnh Châu (còn gọi là Hương Hân), ông Kha và ông Thủ Bảy. Một lần, ba người này rủ nhau vào miền Nam thăm thú cảnh lạ theo đường thủy. Các ông, mỗi người vài loại cây trái là sầu riêng, khóm, măng cụt, măng Sài Gòn và bưởi trụ mang về làng trồng trong vườn nhà của mình. Nguồn gốc các loại cây trái Nam Bộ ở Đại Bình cũng có từ đây.
“Vì khí hậu ở Đại Bình khá tương đồng với miền Nam, cộng thêm đất đai màu mỡ nên các loại cây trái mà ba vị kia mang về đều sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, cây bưởi trụ là đặc biệt, người ta muốn nhân giống, chỉ được chiết cành từ cây gốc chứ không thể dùng hạt. Cây được ươm từ hạt, người làng Đại Bình gọi là trụ hạt, trái trụ hạt rất đắng, không ăn được. Chính vì vậy, nên lúc tôi còn nhỏ, bưởi trụ là một loại trái cây khá xa xỉ. Vài năm sau, ông tôi mới xin chiết được một cành trụ về trồng. Nhưng trồng cũng không ra trái ngay, vì vườn nhà tôi kém phù sa. Sau cơn lụt năm Thìn 1964, một lượng phù sa lớn đọng lại ở làng. Từ đó, các loại cây trái ở Đại Bình phát triển tốt hơn và bưởi trụ cũng vậy” - ông Hưng kể.
Gìn giữ và phát triển thương hiệu
Cũng theo ông Hưng, trước đây, người làng Đại Bình trồng bưởi trụ như các loại khác, với mục đích để... ăn chơi, có bán cũng không được giá. Từ năm 2013 trở đi, nhiều loại trái cây có giá hơn, nhất là bưởi trụ. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân Đại Bình cải tạo lại vườn tạp và trồng thêm bưởi trụ.
Gia đình bà Trần Thị Kim Thủy (SN 1967) có 5.000m2 đất vườn. Trước đây, khu vườn nhà bà trồng đủ các loại cây trái. Nhưng sau cơn bão Chanchu năm 2006, nhiều loại cây bị ngã chết, chỉ còn lại bưởi trụ. Bà Thủy quyết định trồng thêm trụ vào vị trí của những cây đã ngã. Đến nay, khu vườn có hơn 50 gốc trụ. Trong đó, có khoảng 30 cây cho trái ổn định, thu hoạch chừng 100kg/cây/năm. Với giá như hiện nay, mỗi năm, bà thu được hơn 100 triệu đồng nhờ vườn trụ.
Vì nguồn lợi từ việc trồng bưởi trụ cao nên nhiều người bất chấp quy luật thụ phấn chéo của các loài cây cùng dòng mà tận dụng nguồn đất hạn hẹp để trồng xen canh bưởi trụ vào chung với các loại bưởi da xanh, cam, quýt,… Đây là lý do mà những năm gần đây, bưởi trụ Đại Bình có trái không đạt chất lượng như trước.
Trước thực trạng này, Hợp tác xã Nông nghiệp - du lịch - dịch vụ Đại Bình và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân trồng chuyên canh giống bưởi trụ.
Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, làng Đại Bình hiện có 215 hộ trồng bưởi trụ, trong đó, trung bình mỗi hộ khoảng 20 - 30 cây.
“Một vài hộ, vì chạy theo nguồn lợi trước mắt đã chiết cành hàng loạt, không đủ tiêu chuẩn để bán, sẽ tạo ra một nguồn gen xấu tồn tại ở các vườn, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu bưởi trụ Đại Bình trong tương lai. Chúng tôi đang ra sức ngăn chặn điều này” - ông Lưu nói.
Năm 2019, bưởi trụ Đại Bình được công nhận tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Chính vì vậy, việc gìn giữ thương hiệu của loại cây này càng cần thiết hơn.