Khoảng 3 ngày trước, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Bình Khương, xã Bình Giang) mua 7 con heo về nuôi, mỗi con heo có trọng lượng 7kg, giá 700 nghìn đồng/con. Điều đáng nói, khoảng tháng 7 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên đàn heo của gia đình ông Tiến và buộc phải tiêu hủy bắt buộc.
Trong đợt nhận tiền hỗ trợ lần 3 do UBND xã Bình Giang tổ chức, gia đình ông được nhận gần 75 triệu đồng. Cần nói thêm, sau lần tiêu hủy heo do mắc bệnh, gia đình ông Tiến đã nuôi thêm 1 lứa heo khác khoảng 30 con và vừa xuất chuồng vào đầu tháng 11 với giá 60 nghìn đồng/kg heo hơi, thu về khoảng 100 triệu đồng. Vừa bán xong, ông Tiến tiếp tục nuôi thêm 7 con heo con vừa nêu trên.
“Gia đình nấu rượu quanh năm, mỗi ngày nấu hơn 40kg gạo nên số hèm dôi dư rất nhiều. Do quá tiếc, tôi đành tiếp tục tái đàn, chấp nhận rủi ro. Mặc khác, gia đình cũng đã ký cam kết với chính quyền xã không được tái đàn nên thiệt hại gia đình tự gánh chịu. Hiện nay, ngoài việc chăm sóc đàn heo, tôi thường xuyên rải vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng để bảo vệ đàn heo”.
Cách đây mấy tháng, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã Bình Giang. Ngay khi xuất hiện dịch bệnh, địa phương đã thành lập đội tiêu hủy và duy trì cho đến thời điểm này, bởi dịch bệnh vẫn còn tái diễn. Hàng ngày công việc của thú y viên Nguyễn Đình Vinh là cập nhật số liệu heo mắc bệnh, trọng lượng tiêu hủy và theo dõi luôn việc tái đàn của các hộ chăn nuôi.
Anh Vinh cho hay: “Hiện nhiều hộ chăn nuôi vẫn tái đàn, bởi thời điểm này giá heo hơi quá cao. Mặc dù trong quá trình tiêu hủy, chúng tôi đã nhắc nhở và buộc các hộ cam kết không tái đàn khi địa phương chưa công bố hết dịch. Tuy nhiên việc kiểm soát khá khó khăn, cứ mỗi khi nghe thông tin có hộ chăn nuôi tái đàn, chúng tôi lập tức đến hiện trường tuyên truyền, vận động nếu xảy ra sự cố phải báo ngay cho địa phương đến xử lý, không vứt xác heo ra môi trường”.
Khi chưa có dịch tả lợn châu Phi, toàn xã Bình Giang có đến 6.500 con heo. Tính đến ngày 19.11, toàn xã đã tiêu hủy 4.721 con heo. Tổng số tiền hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do mắc bệnh và công tác tiêu hủy hơn 10 tỷ đồng. Riêng Bình Giang đã làm các thủ tục, hỗ trợ cho người chăn nuôi khoảng 5 tỷ đồng chia thành 6 đợt chi trả.
Ông Võ Văn Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa ngưng hẳn. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi vẫn tái đàn mặc dù địa phương đã tuyên truyền vận động, thậm chí khi nhận tiền hỗ trợ, địa phương đã nhắc nhở và ký cam kết không tái đàn khi địa phương còn dịch. Địa phương khuyến cáo khi nhận tiền hỗ trợ, các hộ chăn nuôi nên chuyển sang nuôi trâu, bò, gà, vịt chứ không nuôi heo lại. Đối với các hộ tự tái đàn, rủi ro phải tự chịu chứ không được hỗ trợ.
“Thực tế rất khó kiểm soát trong việc các hộ chăn nuôi tự tái đàn, bởi địa bàn Bình Giang quá rộng, giáp ranh với nhiều nơi khác, mà lực lượng thú y chỉ có 1 người. Mặc khác, dù đã ký cam kết không tái đàn khi địa phương chưa công bố hết dịch, nhưng nhiều hộ vẫn nuôi trở lại, địa phương vẫn không có chế tài xử lý” - ông Võ Văn Tư nói.