Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh – Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019-2020, nhấn mạnh: việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu xây dựng ngành du lịch Việt Nam thành ngành mũi nhọn. Thực tế tiềm năng lớn, song hiện tại du lịch nông nghiệp, văn hoá sinh thái dựa vào cộng đồng ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch; nên đôi khi dẫn tới trùng lắp, đơn điệu và manh mún, khai thác không đúng giá trị vốn có của loại hình du lịch này.
Trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam là một trong những địa phương sớm có những mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả, gắn với các trung tâm du lịch, góp phần phát triển du lịch, tăng thu nhập cho cộng đồng, tạo dựng thương hiệu và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, phát triển kinh tế du lịch nước ta những năm qua đã không ngừng tăng trưởng vượt bậc, trong đó, một số chỉ tiêu đạt được vượt xa so với mức dự báo từ năm 2010, cụ thể: lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp hơn 2,5 lần, từ 5 triệu lượt năm 2010 lên 12,9 triệu lượt năm 2017, trung bình tăng 14,5% năm (đặc biệt năm 2017 tăng tới 29,1% so với 2016). Khách du lịch nội địa tăng gấp 2,6 lần, từ 28 triệu lượt năm 2010 lên 73,2 triệu lượt năm 2017, tăng trung bình 14,6%. Tổng thu từ du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ 2010 lên 510.000 tỷ năm 2017, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp. Nguồn lực đầu tư, lực lượng doanh nghiệp và nhân lực du lịch ngày càng lớn mạnh; quy mô cơ sở lưu trú tăng từ 12.350 cơ sở năm 2010 lên 22.000 cơ sở năm 2017, đặc biệt cơ sở lưu trú cao cấp (4 - 5 sao) chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; hệ thống điểm đến có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã hình thành với cơ sở cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng.
Cùng với các ý kiến chuyên gia, kinh nghiệm ở một số địa phương có du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới phát triển mạnh; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng mang đến hội thảo nhiều gợi mở có tính chiều sâu, chuyên nghiệp; giúp giải quyết những tồn tại trong liên kết vùng được kỳ vọng sẽ là cơ sở cho việc hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, khai thác tiềm năng to lớn này.