|
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý tại phiên thảo luận sáng 1.11. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Phan Thái Bình hoàn toàn thống nhất với sự cần thiết xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn của Chính phủ trình Quốc hội thảo luận. Bởi lẽ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam gồm 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 DTTS với hơn 14,1 triệu người, cư trú rộng khắp ở 51 tỉnh, thành phố. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng - an ninh, có hệ sinh thái đa dạng, môi trường sống trong lành, nơi cung cấp các sản phẩm thiết yếu như điện, nước cho vùng hạ du và đồng bằng.
Đại biểu Phan Thái Bình đánh giá, thời gia qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách; đồng bào các DTTS đã nỗ lực vươn lên, nhân dân cả nước luôn đồng hành chăm lo cho sự nghiệp phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi của nước ta là vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn nên khó theo kịp các vùng khác trong cả nước. Từ thực tế đó, Chính phủ xây dựng đề án này trình Quốc hội phê duyệt để triển khai thực hiện là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn.
Về nguyên nhân một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi thời gian qua phát huy hiệu quả chưa cao, chưa đạt được như mong muốn là do có chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, đặc thù riêng có của từng vùng miền, phong tục tập quán, kỹ năng lao động của từng dân tộc. Các giải pháp về nâng cao trình độ dân trí, thay đổi tư duy, phương thức canh tác, sản xuất, ý thức tự vươn lên thoát nghèo chưa được chú trọng đúng mức. Một số chính sách còn chồng chéo, chưa đảm bảo nguồn lực đầy đủ nên chậm đi vào cuộc sống.
Về mục tiêu chung của đề án, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị quan tâm đến mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó, Việt Nam đã xác định 17 mục tiêu cụ thể, trong 17 mục tiêu này có đến 15 mục tiêu liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Và đại biểu Phan Thái Bình quan tâm đặc biệt đến một số mục tiêu sau: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững; bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi xã hội cho mọi người ở mọi lứa tuổi; đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo đảm đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái…
Về mục tiêu cụ thể, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị cân nhắc vì mục tiêu đề án đưa ra đến 2025 thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2 lần so với năm 2020 thấy khó khả thi. Bởi vì, nếu đề án được thông qua, bắt đầu thực hiện từ năm 2021, sau đề án còn phải xây dựng hàng loạt chính sách cụ thể; tuyên truyền, phổ biến, triển khai đến từng địa phương, địa bàn dân cư, từng người dân, nhất định cần thời gian để đi vào cuộc sống. Đây là chính sách đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian triển khai dài nên không thể phát huy hiệu quả ngay trong một vài năm đầu mà có thể sẽ đến năm thứ 3, thứ 4 mới có kết quả rõ nét, nên sau 5 năm mà mục tiêu đề ra thu nhập gấp đôi thì rất khó. Vì vậy thu nhập gấp 1,5 lần thì khả thi hơn.
Về nhóm các giải pháp, đại biểu Phan Thái Bình bổ sung, nhấn mạnh một số giải pháp trước hết và rất quan trọng tạo tiền đề cho các giải pháp tiếp theo. Thứ nhất, rà soát quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư (không những dân di cư mà cả dân định cư). Bởi vì, thực trạng hiện nay nhiều vùng đồng bào DTTS, miền núi dân cư phân bổ rải rác, thậm chí có nhiều người sinh sống ở những vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở, vùi lấp cao. Do đó sắp xếp lại dân cư ổn định, tập trung thì Nhà nước mới đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước…). Thứ hai, có chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào khu vực miền núi, vùng có điều kiện khó khăn để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Thứ ba, xây dựng đề án về công tác khoán, quản lý và bảo vệ rừng, tăng nguồn lực nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này để người dân sinh sống gần rừng, tạo sinh kế, gắn với quản lý bảo vệ rừng, người dân giữ rừng nhưng đủ sống để quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước (Nghị định 75 chi 400 nghìn đồng/ha/năm là quá thấp), hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, gỗ làm nhà thay thế gỗ tự nhiên, tránh phá rừng.
Về những giải pháp đã nêu trong đề án, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị rà soát lại từng nhóm các dự án, tránh trùng lắp dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, làm phân tán nguồn lực, khó triển khai thực hiện, khó tổng kết đánh giá, kiểm tra giám sát, xác định trách nhiệm. Trong đề án đưa ra 8 dự án, qua nghiên cứu thấy các dự án này có sự đan xen, trùng lắp lẫn nhau. Cụ thể như: dự án 1 phát triển kinh tế lâm nghiệp có mối quan hệ với nội dung hỗ trợ đất sản xuất của dự án 2; dự án 2 và dự án 3 có sự trùng lắp về đầu tư nước sinh hoạt. Do vậy, đại biểu đề nghị xây dựng chính sách này theo hướng: nhóm chính sách về sắp xếp dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng; nhóm chính sách phát triển về kinh tế, gắn với quản lý và bảo vệ rừng; nhóm chính sách về phát triển văn hóa - xã hội; nhóm chính sách về phát triển nguồn nhân lực, gắn với giải quyết việc làm. Trong từng nhóm chính sách xây dựng các đề án; trong từng đề án xây dựng các dự án thành phần; trong mỗi dự án thành phần xây dựng các tiểu dự án phù hợp để thực hiện, tránh chồng chéo.