|
Nhờ có nguồn nước tưới và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn tiêu của ông Huỳnh Bá Viên (xã Tiên Mỹ) phát triển xanh tốt. Ảnh: P.H |
Cải tạo vườn
Sở hữu hai khu vườn với tổng diện tích hơn 5.500m2, ông Huỳnh Bá Viên (thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ) đã quy hoạch thành nhiều khu với các loại cây trồng khác nhau. Diện tích đất gần nhà ông xây dựng khu vườn tiêu Tiên Phước hơn 100 choái. Xung quanh là các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao gồm 30 cây măng cụt, 10 cây sầu riêng, 15 cây mít Thái. Đối với khu vườn xa nơi ở ông trồng lòn bon và cau. Được khuyến khích, hỗ trợ của huyện theo Đề án 548, ông đầu tư gần 20 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nước cho khu vườn. Nhờ có nguồn nước tưới thường xuyên cộng với sự chăm sóc chu đáo nên các loại cây trồng phát triển xanh tốt. Bước đầu một số loại cây trồng sớm như lòn bon, cau, măng cụt… đã cho quả tạo nguồn thu nhập hơn 25 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, ông Viên còn tích cực nghiên cứu đề án 548 của huyện và tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn cùng thực hiện. Đến nay, toàn thôn đã có hơn 10 mô hình vườn xanh, sạch, đẹp, phát huy hiệu quả kinh tế. Thôn cũng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Mỹ xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” với 18 hộ gia đình tham gia.
Ông Huỳnh Bá Viên chia sẻ: “Làm vườn là nghề truyền thống của thôn Trà Lai nói chung, gia đình tôi nói riêng nên khi có sự khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, không riêng gia đình tôi mà người dân ở đây hưởng ứng tích cực”. Từ cơ chế hỗ trợ theo Đề án 548, không riêng Tiên Mỹ, phong trào xây dựng vườn xanh, sạch, đẹp, hiệu quả tại nhiều địa phương khác cũng khá phát triển. Hiện toàn huyện có 21 mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp” với 370 hộ tham gia.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Cảnh cho biết: “Hưởng ứng Đề án 548 của huyện, chúng tôi đã xây dựng được 4 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” với 69 hộ tham gia. Từ đó tạo động lực để các hộ cải tạo vườn, trồng các loại cây truyền thống như thanh trà, măng cụt, lòn bon, sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao”.
Phát huy giá trị truyền thống
Tiên Phước có hơn 5.600ha đất trồng cây lâu năm (đất vườn) với cơ cấu các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, đặc trưng của huyện như: tiêu Tiên Phước, lòn bon, thanh trà, măng cụt, dó bầu, cau... Người dân có truyền thống làm vườn lâu đời, với nhiều hạng mục, công trình thiết yếu như hàng rào xanh, bờ đá, bậc đá, cổng ngõ xanh, giếng đá, ao cá..., tạo thành không gian sống hiền hòa gắn liền với không gian sản xuất một cách an toàn, bền vững. Đây là thế mạnh được huyện khuyến khích duy trì và phát triển, thể hiện rõ nét trong Đề án 548.
Ông Tống Phước Thuần - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện - đơn vị trực tiếp tham mưu huyện xây dựng Đề án 548 cho biết: “Một trong những nội dung cốt lõi của đề án là định hướng phát triển kinh tế vườn kết hợp chỉnh trang vườn nhà xanh - sạch - đẹp - hiệu quả, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Qua đó vừa đảm bảo nâng cao thu nhập cho người làm vườn, vừa tạo cảnh quan sinh thái phục vụ phát triển du lịch”.
Qua gần hai năm triển khai thực hiện, đề án đã mang lại kết quả tích cực về chất lượng, quy mô. Điều đáng ghi nhận là các loại cây trồng truyền thống của địa phương đều được phát huy, nhân rộng và nâng cao chất lượng. Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Nhờ có sự điều tra, khảo sát kỹ trước khi lập đề án nên việc triển khai đề án khá thuận lợi, được nhân dân hưởng ứng tích cực. Qua phát động, nhân dân đã đăng ký thực hiện hàng trăm mô hình trồng tiêu Tiên Phước, cây ăn quả như: thanh trà, măng cụt, sầu riêng, cam, chuối, cau, dó bầu... với quy mô lớn. Đáng ghi nhận hơn là các hộ đã chủ động nghiên cứu, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến từ khâu chọn giống cây trồng, thiết kế vườn trồng, ứng dụng chế phẩm vi sinh để vừa tạo nguồn dinh dưỡng, vừa phòng bệnh cho cây trồng một cách bền vững”...
Cũng theo ông Phụng, huyện đang tập trung làm tốt công tác quy hoạch, xác định các dự án tiềm năng để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết với người dân phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; quán triệt người dân tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, để phát triển bền vững. “Cái khó của Tiên Phước hiện nay là hệ thống thủy lợi manh mún, nhỏ lẻ trong khi đó thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng hạn gay gắt kéo dài xảy ra thường xuyên, rất mong được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh để huyện xây dựng được các công trình thủy lợi lớn đáp ứng nguồn nước tưới phục vụ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại” - ông Phụng nói.