hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Vươn lên từ nuôi dúi (21/10/2019)
Vươn lên từ khó khăn, tìm cho mình hướng đi mới phù hợp trên con đường lập thân, lập nghiệp, đó là cách làm của anh Tô Văn Bình (SN 1985, thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, Đại Lộc) với mô hình nuôi dúi.
Anh Tô Văn Bình hướng dẫn kỹ thuật nuôi dúi cho thanh niên địa phương. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Anh Tô Văn Bình hướng dẫn kỹ thuật nuôi dúi cho thanh niên địa phương. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Tốt nghiệp THPT năm 2007, thế nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép, anh Tô Văn Bình tạm gác việc học để vào Nam làm ăn, phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống và lo cho các em ăn học. Khi công việc dần ổn định, anh tiếp tục thực hiện giấc mơ dang dở là lấy được tấm bằng đại học để xin một công việc nhà nước ở quê nhà.

Anh Bình kể: “Thời điểm làm trong tỉnh Bình Dương, tôi tham gia học thêm lớp tại chức do Đại học Huế mở. Suốt 4 năm kiên trì làm ngày - học đêm, tôi đã lấy được tấm bằng cử nhân luật. Về quê, với mong ước xin được việc, thế nhưng chuyện xin việc ngày càng khó nên bản thân đành tìm cho mình một hướng đi khác”.

Năm 2017, với số vốn gần 30 triệu đồng dành dụm trong quá trình đi làm ăn xa, anh Bình quyết định đầu tư nuôi dúi. Ban đầu, anh xây một chuồng nhỏ, diện tích chỉ khoảng 4m2 theo kiểu nhà tầng để thả nuôi 2 cặp dúi rừng. “Tôi tìm đến các trang trại trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu kỹ thuật và con giống trước khi tiến hành nuôi thí nghiệm. Việc nuôi dúi lấy thịt thì đảm bảo; còn nuôi để sinh sản thì bản thân chưa có kinh nghiệm nên phải mất gần 1 năm trời mày mò, đàn dúi của tôi mới bắt đầu sinh sản” - anh Bình nói.

Thấy việc nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Bình bắt đầu nhập thêm nhiều giống để nuôi. Cùng với đó, anh tiếp tục đầu tư hơn 60 triệu đồng để xây chuồng 90m2 theo phương pháp mới, có nền cách chuồng 20cm để thuận tiện cho việc dọn vệ sinh chuồng, tránh được các bệnh cho vật nuôi. Tính đến nay, anh đã nhân số lượng đàn lên gần 70 con.

Theo anh Bình, trung bình 1 con dúi nuôi lấy thịt thời gian 8 - 12 tháng sẽ nặng 1,2 - 1,5kg, có giá bán dao động 500 - 700 nghìn đồng/con. Nếu bán giống thì tùy theo kích cỡ, giá dao động 700 nghìn đồng - 1,4 triệu đồng/con. Thức ăn của dúi đơn giản là thân cây tre, bắp, thóc; việc nuôi cũng không tốn nhiều thời gian. Dúi sinh sản khá nhanh, 1 năm khoảng 4 lứa, mỗi lứa khoảng 3 - 5 con.

“Thịt dúi rất thơm ngon, mát, giàu đạm nên được nhiều tiểu thương và các nhà hàng trong huyện, tỉnh tìm mua. Nuôi dúi rừng hiệu quả kinh tế rất cao, trung bình nếu cứ 100 con mẹ thì 1 năm sẽ cho thu nhập gần 200 triệu đồng” - anh Bình cho hay. Anh đã xuất bán 1 đợt (12 con giống), thu lời 15 triệu đồng. Thời gian đến tiếp tục nuôi gầy đàn để bán thường xuyên hơn.

Anh Võ Đăng Điệp - Bí thư Đoàn xã Đại Chánh cho biết, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng anh Tô Văn Bình luôn tìm cho mình những hướng đi mới, thể hiện bản lĩnh và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của người thanh niên. “Mô hình phát triển kinh tế của anh Bình là mô hình mới trên địa bàn xã. Thời gian đến Đoàn xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để anh được vay vốn, tham gia các lớp tập huấn để mở rộng chăn nuôi và nhân rộng mô hình này cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn” - anh Điệp nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,369 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 116 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com