|
Ao thu gom nước nhĩ tại thôn Quý Ngọc góp phần chống hạn trọng vụ hè thu 2019.Ảnh: X.T |
Đầu vụ hè thu năm nay, nếu như các địa phương khác trên địa bàn TP.Tam Kỳ bị thiếu nước trầm trọng thì xã Tam Phú đã chủ động được nguồn nước tưới. Tại thôn Quý Ngọc, từ chương trình xây dựng NTM, địa phương được đầu tư 2 ao thu gom nước nhĩ và đã phát huy tác dụng từ nhiều năm nay, tích nước tưới cho hơn 30ha lúa tại các cánh đồng của thôn trong vụ hè thu thường xuyên bị hạn hán. Đây là 2 trong 5 công trình thủy lợi hóa đất màu được đầu tư tại xã Tam Phú từ chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2018; cùng với 9 công trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng được đầu tư đã nâng tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động của xã lên 85%. Ông Hồ Văn Tâm - người dân thôn Quý Ngọc nói: “Từ khi có ao nước nhĩ và hệ thống kênh mương được đầu tư hoàn thiện, nhân dân ở đây tích cực nạo vét, dọn vệ sinh nên nguồn nước tưới luôn được đảm bảo, ngay cả trong giai đoạn hạn hán”.
Trong chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn xã Tam Phú còn được đầu tư xây dựng 8 công trình thiết chế văn hóa, thể thao; 4 công trình giao thông nội đồng; 1 công trình giáo dục; tổng mức đầu tư các công trình gần 30 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Đức Vương - Chủ tịch UBND xã Tam Phú, việc đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. “Địa phương sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại các nhà sinh hoạt văn hóa thôn để người dân tham gia nhiều hơn, sử dụng hiệu quả các dụng cụ đã trang bị” - ông Vương nói.
Đối với xã Tam Ngọc, triển khai chương trình xây dựng NTM, toàn địa bàn có 16 công trình về hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng, nhà sinh hoạt văn hóa được xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Yên - Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc cho biết, các công trình đều hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc sử dụng công trình hạ tầng giao thông hay kênh mương thủy lợi ở một số nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Như tại các thôn Đồng Nghệ, Đồng Hành, Phú Ninh, nhu cầu về giao thông nông thôn ngày càng lớn, có nhiều tuyến đường phát sinh do người dân tự mở nên cần được bê tông hóa. Ở một số thôn khác, do việc mở rộng sản xuất nông nghiệp của người dân nên hệ thống kênh mương cần được đầu tư thêm mới đảm bảo tưới tiêu. “Trong thời gian tới, địa phương sẽ chủ động nguồn vốn từ khai thác quỹ đất để tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng trong nhân dân” - ông Yên cho hay.