hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Phục tráng nếp Hương Lân ở Thăng Bình (15/05/2019)
Giống nếp Hương Lân đặc trưng của người dân ven sông Trường Giang ở vùng đông Thăng Bình thất truyền hơn 30 năm qua, nay được phục tráng để phát triển thành sản phẩm nông nghiệp độc đáo của địa phương.
Nếp Hương Lân Trương Giang được xã Bình Đào chọn tham gia chương trình OCOP năm 2019. Ảnh: L.C
Nếp Hương Lân được xã Bình Đào chọn tham gia chương trình OCOP năm 2019. Ảnh: L.C

Dẻo thơm nếp Hương Lân

Hương Lân là giống nếp đã xuất hiện ở các xã vùng đông Thăng Bình vào những năm 80 của thế kỷ trước. Theo người dân địa phương, giống nếp này có hương thơm độc đáo khác lạ, khi ăn nếp rất dẻo và có vị mặn mà. Ngày xưa nếp Hương Lân chỉ được dùng trong dịp giỗ chạp, lễ tết của mỗi gia đình.

Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Đào nhớ lại, cứ đến mùa thu hoạch, mùi rơm rạ, mùi xôi nếp quyện vào nhau thơm ngát đến cuối xóm. “Trong làng một người nấu xôi mới thì cả làng đều biết. Nên hễ ai gặt nếp trước cúng xôi mới thì cũng phải biếu cho mỗi nhà một dĩa nhỏ để làm thảo. Còn khi nấu bánh chưng, bánh tét, hạt nếp tiết ra một chất dầu bóng như mỡ, tạo nên sự khác biệt so với các giống nếp khác. Không chỉ nếp thơm mà rơm nếp khi phơi khô được bện thành tấm lợp nhà cũng giữ được mùi thơm qua vài ba cái tết” - ông Sanh kể.

Sau này khi những giống lúa ngắn ngày xuất hiện và canh tác mỗi năm 3 vụ thì giống nếp Hương Lân dần vắng mặt trên các cánh đồng và được thay thế bằng các loại giống lúa, nếp khác. Sau bao năm thất lạc, vụ hè thu năm 2017, Sở NN&PTNT bắt đầu phục tráng giống nếp Hương Lân trên cánh đồng xã Bình Giang (Thăng Bình). Đến vụ hè thu 2018, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình giao cho HTX Nông nghiệp Bình Đào trồng thí điểm nếp Hương Lân trên cánh đồng ở thôn Vân Tiên (xã Bình Đào) theo hướng nông nghiệp an toàn.

Nếp Hương Lân được phục tráng thành công sau nhiều năm mất gốc. Ảnh: L.C
Nếp Hương Lân được phục tráng thành công sau nhiều năm mất gốc. Ảnh: L.C

Theo ông Sanh, nếp Hương Lân chỉ làm được 1 vụ duy nhất trong năm là vụ hè thu, thời gian sinh trưởng 4 - 5 tháng. Qua trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy cây nếp cho năng suất 40 tạ/ha, giá bán 25 nghìn đồng/kg. Với mức giá này thì cây nếp cho giá trị gấp 3 - 4 lần so với cây lúa. “Cây nếp có sức kháng bệnh cao, là loại giống mang tính cảm quan nên muốn cây phát triển tốt, HTX phải tính lịch thời vụ cấy nếp khác với các loại cây khác, phù hợp nhất là sau Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5) để nếp trổ khi trời lập thu thì mới đạt chất lượng cao” - ông Sanh nói.

Định hướng tham gia OCOP

Dịp Tết Kỷ Hợi năm 2019, HTX Nông nghiệp Bình Đào đã đóng gói bao bì và đưa sản phẩm nếp Hương Lân ra thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng. Theo đánh giá của nhiều đại lý tiêu thụ, nếp Hương Lân bán rất chạy và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Ông Võ Tấn Sanh cho biết, HTX sẽ mở rộng liên kết với nông dân một số xã dọc ven sông Trường Giang của huyện Thăng Bình để khuyến khích người dân vừa sản xuất lại giống nếp truyền thống của quê hương, vừa kết hợp với du lịch trải nghiệm đồng quê. Qua đó góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao được thu nhập cho các hộ dân và hơn hết là phục tráng giống nếp quý của địa phương.

Hiện xã Bình Đào đã đăng ký sản phẩm nếp Hương Lân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019, đang chờ thẩm định để có được một đánh giá cụ thể cho sản phẩm này. “HTX đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nếp Hương Lân nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao người tiêu dùng. Trong những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng nếp tập trung từ 3ha (năm 2018) lên 10ha trong năm 2020 và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp cận thị trường” - ông Sanh cho hay.

Ông Lê Văn Để - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, sau 2 năm phục tráng, giống nếp Hương Lân thất truyền mấy chục năm qua đã quay trở lại với hình dáng, hương vị vẫn nguyên vẹn như trước đây. Với kết quả khả thi vừa qua, vụ hè thu 2019 này sẽ được trồng đại trà tại Bình Giang và Bình Đào. “Việc được lựa chọn tham gia OCOP sẽ góp phần khôi phục lại thương hiệu nếp Hương Lân đặc trưng vùng ven sông Trường Giang; đồng thời giới thiệu ra thị trường một loại nếp độc đáo của người dân địa phương” - ông Để nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,073 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 22 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com