|
Vườn ươm cây lá tràm của một doanh nghiệp tại xã Tam Nghĩa. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Khấm khá nhờ rừng
Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân xã Tam nghĩa trở nên khấm khá nhờ trồng keo lá tràm, keo lai, kết hợp phát triển kinh tế gia trại, trang trại nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Nhất là khi Tam Nghĩa và vùng phụ cận có nhiều xưởng gỗ, doanh nghiệp chế biến gỗ dăm, gỗ sản xuất giấy, nhu cầu tiêu thụ cây keo nguyên liệu gia tăng, giá trị cây keo được nâng lên, không còn bị ép giá như trước. Kinh tế rừng được xác định đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nhận thấy giá trị từ rừng, người dân Tam Nghĩa đã chủ động phá bỏ cây bạch đàn, chuyển diện tích nương rẫy kém hiệu quả sang trồng keo lá tràm, keo lai. Ở các thôn có địa hình đồi núi, cá biệt có hộ trồng tới vài chục héc ta đến cả trăm héc ta keo lá tràm, keo lai kết hợp chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hữu ở thôn Trung Phú 2, xã Tam Nghĩa, trồng 12ha rừng keo lá tràm, bình quân sau 5 năm thu nhập hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí. Ông Hữu cho biết, nhờ cây keo lá tràm, cây keo lai, kinh tế gia đình ông được cải thiện rõ rệt. “Cho tới bây giờ vẫn chưa thấy có cây gì cho thu nhập tốt như cây keo mà không mất nhiều thời gian chăm sóc, cũng ít có độ rủi ro như cây keo” - ông Hữu chia sẻ. Ông Lê Văn V. ở xã Tam Nghĩa, trồng 20ha keo giâm cành, với chu kỳ khai thác 5 năm/lần, ông thu về hơn 300 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định. Có những hộ trồng cả trăm héc ta keo như ông Nguyễn Tấn Cự, ông Phạm Quang Vũ… sau 5 năm thu nhập cả tỷ đồng.
Phát triển bền vững
Ông Nguyễn Thành Đạt - Chủ tịch UBND xã Tam nghĩa cho biết, các thôn An Thiện, Hòa Mỹ, Đông Yên, Hòa Vân hiện có diện tích rừng keo khá lớn của xã. Tại các thôn này, đời sống người dân có sự chuyển biến rõ nét, thu nhập bình quân trên đầu người ở xã vì thế cũng tăng lên rõ rệt, từ 19 triệu đồng/năm (năm 2010) đã tăng lên trên 37 triệu đồng/năm (năm 2018). Với chu kỳ khai thác 5 năm/lần, với 1.000ha, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 25 tỷ đồng. Nhận thấy tiềm năng đó, một số doanh nghiệp, vườn ươm tư nhân đã đầu tư sản xuất giống keo lai giâm hom, cây ghép, cây keo nuôi cấy mô trên cơ sở thuê đất trên địa bàn xã để lập vườn sản xuất, cung ứng cây giống. Việc thu mua của các nhà máy thuận tiện hơn do được bố trí gần vùng sản xuất, giảm chi phí vận chuyển.
Cũng theo ông Đạt, cây keo được xác định là một trong những ngành kinh tế chủ lực ở Tam Nghĩa song việc nâng giá trị từ kinh tế rừng là hướng đi mà địa phương đang tính đến. Bên cạnh khuyến khích nhân dân đầu tư trồng cây keo lai, cây keo nuôi cấy mô giúp gia tăng sinh khối gỗ và tăng giá trị rừng, xã còn khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn. “Địa phương chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời triển khai một số mô hình trồng rừng gỗ lớn thí điểm để người dân thấy rõ và tham gia nâng cao chuỗi giá trị kinh tế rừng” - ông Đạt nói. Tam Nghĩa cũng hướng tới khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng rừng dừa nước nguyên sinh và khu vực rừng tự nhiên nguyên sinh 70ha trên địa bàn để phát triển du lịch sinh thái, cùng với quần thể di tích Hố Mây có dung tích 6 triệu khối nước ngọt và các di tích khác.
Hiện, một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vườn ươm sản xuất cây giống keo giâm hom, keo lai nuôi cấy mô với số lượng lớn trên địa bàn Tam Nghĩa. Công ty TNHH Đình Thuận đầu tư mô hình vườn ươm cây giống, trồng cây keo bố mẹ để cung ứng giống tại thôn Định Phước. Với quy mô vườn cây giống rộng hơn 3ha, công ty có năng lực cung ứng giống 5 - 6 nghìn cây keo lai mỗi năm, giải quyết việc làm cho cả chục lao động địa phương. Đây là vườn sản xuất giống keo quy mô với tổng giá trị 2 tỷ đồng, đầu tư hệ thống tưới phun sương, giúp tiết kiệm nước tưới, đảm bảo độ tin cậy về chất lượng giống. Ông Đỗ Đăng Khôi, phụ trách vườn ươm giống cho biết, vườn ươm công ty có thời điểm điêu đứng vì giống keo trôi nổi tràn lan. Tuy nhiên, từ thực tiễn, nguồn giống chất lượng đã giúp ông trụ vững tới ngày nay. Không chỉ cung ứng giống cho Tam Nghĩa, ông còn cung ứng cho khu vực Núi Thành và các huyện lân cận.