Giống TBR279 chống chịu được nhiều loại sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất
Đến thời điểm này, cánh đồng lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch. Theo đánh giá của HTX cũng như các hộ dân tham gia sản xuất thì giống lúa này có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả rất lớn.
TBR279 đã được công nhận là giống Quốc gia vào năm 2019 nhưng tại Quảng Nam thì giống lúa này đã được trồng thử nghiệm được 5 mùa vụ. Trong các vụ sản xuất trước, TBR279 đã khẳng định được những ưu thế vượt trội nên được nông dân cũng như nhiều địa phương tin tưởng để mở rộng diện tích trồng.
Theo HTXNN Đại Thắng, TBR279 có ưu điểm là thời gian sinh trưởng ngắn (trong vụ ĐX khoảng từ 95 – 100 ngày) rất thuận lợi cho trong việc bố trí lịch thời vụ để đảm bảo nước tưới ở các kênh, nhất là vụ HT tránh được thời tiết mưa gió, tránh lụt cuối vụ; khả năng đẻ nhánh khá, gọn khóm, tỷ lệ thành bông hữu hiệu cao.
Đối với các giống lúa khác đang được sử dụng ở địa phương thường bị khô vằn, đạo ôn, khô cổ bông... thì TBR279 có khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh hại này tương đối tốt. Trong cả vụ sản xuất vừa qua, HTX đã không đưa ra một thông báo nào về dịch bệnh.
“Vụ này tôi sản xuất 1 mẫu giống lúa TBR279 với lượng giống sạ là 3kg/sào và nhận thấy cây lúa phát triển rất tốt, đẻ nhánh khỏe. Đặc biệt với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất. Nếu như với các giống trước đây thường sử dụng, với diện tích nói trên phải mất khoảng 1 triệu tiền phun các loại thuốc chống đạo ôn, khô vằn... thì TBR279 chỉ tốn 90.000 đồng phun thuốc chống khô vằn”, nông dân Nguyễn Thanh Sáu nói.
Đặc biệt, HTXNN Đại Thắng đánh giá rằng, TBR279 là giống lúa chất lượng cao, hạt dài, có mùi thơm, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha. Với giá trị quy đổi được tính bằng giá HT1 thị trường tại thời điểm thu mua nhân với tỷ lệ quy đổi như vậy giống lúa TBR279 giá bán sẽ cao nhất thị trường hiện nay, hiệu quả mang lại cho nông dân là rất lớn.
Ông Hoàng Trung Hùng, Giám đốc HTXNN Đại Thắng cho biết: “Với những ưu điểm này, có thể nói đây là giống “đạt chuẩn” để phát triển mạnh trên thị trường để người dân được tiếp cận. Từ nay người nông dân Đại Thắng nói riêng và cả nước nói chung có thêm bộ giống mới với nhiều ưu điểm vượt trội được đưa vào sản xuất. HTX đề xuất tiếp tục sản xuất ở vụ HT và mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo; tăng cường cán bộ kỹ thuật phối hợp với HTX trong quá trình tổ chức sản xuất”.
Ông Võ Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn sử dụng chủ yếu là giống HT1 nhưng qua nhiều năm thì giống này cũng thoái hóa nên cần nhiều giống để thay thế. Với giống TBR279 được đưa vào Quảng Nam khảo nghiệm 5 – 6 vụ qua thì bước đầu đánh giá có khả năng thay thế được giống HT1, cơ cấu vào sản xuất.
Cũng theo ông Nghi, TBR279 có nhiều ưu điểm như ngắn ngày, phù hợp với định hướng cơ cấu giống của tỉnh; chất lượng gạo thơm ngon, giá cả thu mua bằng HT1, phù hợp với thị trường, thị hiếu; thấp cây, nhiễm nhẹ sâu bệnh; lá đòng đẹp, đứng lá. Bên cạnh đó TBR279 cũng có những hạn chế như độ cứng cây ở mức trung bình.
“Chúng tôi cũng đề nghị Cty tiếp tục hoàn thiện tính ổn định về di truyền, độ đồng đều của giống. Thứ hai là Cty đưa ra trình diễn trên nhiều vùng, nhiều huyện ở Quảng Nam, phối hợp với cơ quan chuyên môn để theo dõi, đánh giá cụ thể, khoa học khách quan và đặc biệt trong vụ HT phải trình diễn rộng, có bảo hiểm năng suất cho bà con. Thứ ba là hoàn thiện lại quy trình kỹ thuật canh tác trong đó lưu ý về mật độ gieo sạ, bón cân đối đủ lượng kali”, ông Nghi nói. |