hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Cấp thiết cải thiện giống tằm (03/04/2019)
Năm 2018, hơn 3ha dâu đã được trồng thí điểm tại các bãi biền thôn Thạnh Mỹ (xã Điện Quang, Điện Bàn) bước đầu cho năng suất lá gấp hai lần, tuy nhiên chất lượng tằm lại chưa đạt. Cải thiện giống tằm trở thành yêu cầu cấp thiết, nhằm hướng đến mục tiêu khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa trên vùng đất Gò Nổi.
Dù năng suất lá dâu khá cao nhưng nỗi lo của người dân xã Điện Quang chính là giống tằm. Ảnh: V.LỘC
Dù năng suất lá dâu khá cao nhưng nỗi lo của người dân xã Điện Quang chính là giống tằm. Ảnh: V.LỘC

Tằm không thích ứng

Ông Nguyễn Tuấn (thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang) cho biết, tháng 5.2018 gia đình ông nhận 0,5ha đất trồng dâu từ dự án thí điểm phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm do HTX Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Hội An thực hiện. Bước đầu cây dâu cho năng suất lá khá cao, bình quân gấp 2 - 3 lần giống dâu truyền thống, nhưng ngược lại giống tằm không đạt, hao hụt nhiều, tỷ lệ sống sót ước chừng 20%. Năm ngoái do trồng trễ ông Tuấn chỉ làm được 2 lứa tằm thu khoảng 60kg kén, với giá bán 150 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu được hơn 9 triệu đồng. “Nguyên nhân tằm sống thấp vì mình nhập giống từ Hà Nội không hợp khí hậu ở Quảng Nam. Thứ hai, giống cây dâu cũng mới nên thông thường qua ngày thứ 7 kể từ khi trứng nở tằm bắt đầu chết, con nào còn sống cuốn kén thì cũng không đạt chất lượng, phần lớn kén mỏng. Với năng suất lá dâu như hiện tại, bình quân 0,5ha dâu làm 2 hộp trứng, nếu tằm sống tốt thì mỗi lứa phải đạt 80 – 100kg kén” - ông Tuấn nói.
Khảo sát các hộ trồng dâu thuộc dự án thí điểm phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm trên đất xã Điện Quang, hầu hết thừa nhận con tằm không đạt chất lượng như kỳ vọng do chưa thích nghi với khí hậu Quảng Nam. Theo ông Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang, bình quân một năm làm được 9 lứa tằm nhưng do năm vừa rồi trồng dâu trễ, các hộ tham gia dự án chưa thật sự chuẩn bị và tập trung cho dâu nên chỉ làm được 2 lứa, sản lượng cũng chưa như ý. “Năm vừa rồi xem như mình thử nghiệm, sắp tới HTX sẽ đổi giống sang trứng tằm Trung Quốc. Hiện nay chỉ có trứng tằm của Trung Quốc là tốt nhất. Năm vừa rồi mình làm giống của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương nhưng họ lại đưa giống tằm không như ý, sản lượng kén thấp. Tháng 4 này tôi sẽ đưa giống trên Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) về thay thế. Bây giờ không lo đầu ra hay giá của kén mà chỉ lo tằm giống thôi” - ông Thành chia sẻ.

Nâng cao chất lượng trứng tằm

Thời vàng son của dâu tằm Gò Nổi diễn ra cách đây đã gần 30 năm, hầu như nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm. Chỉ tính giai đoạn từ năm 1987 - 1992,  mỗi năm xã Điện Quang xuất ra thị trường gần 20 tấn tơ. Tuy nhiên, giai đoạn 1993 đến 1996 diện tích trồng dâu thu hẹp dần. Tháng 5.2018, dự án thí điểm phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm do HTX Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Hội An bắt đầu triển khai thực hiện trên diện tích 3ha, khoảng 10 hộ nông dân 2 thôn Thạnh Mỹ và Bến Đền Tây (xã Điện Quang) tham gia dự án. Dự án không chỉ mở ra hướng đi mới, tạo sinh kế và thu nhập cho người dân mà còn kỳ vọng khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa trên vùng đất Gò Nổi thành hiện thực. Ông Nguyễn Đức Thành khẳng định, nếu khắc phục được tằm giống thì nông dân có thể yên tâm sống với nghề vì thị trường đầu ra của kén đã được đảm bảo. Đặc biệt, hiệu quả cây dâu mang lại cao gấp 5 – 10 lần các loại hoa màu và cây lúa. Chưa kể dâu là loại cây rất “sạch” với môi trường vì không dùng thuốc trừ sâu. Đồng thời cũng có tác dụng lớn trong bảo vệ đất đai, mỗi mùa lũ lụt cây dâu nằm xuống ôm đất và tích lũy phù sa, ngăn sạt lở.

Theo ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Hội An, do trứng tằm chưa thích ứng tốt với khí hậu của Quảng Nam dẫn đến sức đề kháng yếu và hao hụt. “Bây giờ muốn biết hiệu quả của dự án đến đâu phải chờ tháng tư này khi giống mới được đưa từ Bảo Lộc, Lâm Đồng về thay thế” - ông Vũ chia sẻ. Ông Vũ cũng cho biết, sắp tới các chuyên gia Nhật Bản sẽ sang Việt Nam giúp phát triển về trứng giống tằm để tự chủ nguồn giống không phụ thuộc vào trứng giống Trung Quốc nữa. Thời gian tới, bên cạnh sử dụng giống tằm Trung Quốc để tăng hiệu quả sản xuất thì mình phải tự sản xuất giống dựa trên sự hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản để tự chủ giống. Người Nhật đã từng giúp đỡ Brasill và Thái Lan về giống tằm, hầu hết thành công nên mình phải nhờ họ. Dự kiến tháng 10.2019 đoàn công tác của Nhật Bản sẽ qua để giúp mình tạo trứng giống theo đúng quy trình kỹ thuật.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  698 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 20 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com