Anh Linh với vườn rau thủy canh của mình. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG
Muốn làm nông dân
Đã có kinh nghiệm 8 năm làm quản lý tại resort The Nam Hai, năm 2016, anh Nhật Linh bất ngờ xin nghỉ việc về làm nông dân trước sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè. Nói về quyết định này, anh chia sẻ: “Sau một vài biến cố gia đình, tôi muốn thay đổi công việc để tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn. Dù cuốc đất trồng rau nhưng tâm hồn thư thái, sẽ dẫn lối cho bình yên về với mình”.
Thời gian đầu, anh học kinh nghiệm từ các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại địa phương. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy nhu cầu rau sạch ngày càng được quan tâm, thị trường tiêu thụ lớn nhưng chưa có nhiều nguồn cung cấp. Cuối năm 2017, anh Linh quyết định khai hoang và thử nghiệm xây dựng vườn rau thủy canh với diện tích 250m2 trên mảnh đất hơn 1ha của gia đình. Theo anh, khi trồng bằng phương pháp thủy canh rất ít có sâu bệnh ăn lá. Để đảm bảo độ sạch và an toàn cho rau, anh bắt sâu bằng phương pháp thủ công, không phun bất kỳ loại thuốc nào.
Với khí hậu nóng bức miền Trung, anh Linh cho lắp giàn, xây dựng hệ thống thủy canh áp dụng kỹ thuật tưới rễ hồi lưu kết hợp phun sương mát lá bên trên. Về giống, anh chọn trồng các loại giống ngoại mang lại giá trị cao như xà lách romaine, xà lách lô lô tím, xà lách mỡ và các loại xà lách giống Mỹ, trồng xen canh một số loại rau địa phương như rau muống hột, rau dền đỏ… Sau khi ươm hạt giống 10 - 14 ngày trên mút xốp, anh sẽ lựa những cây con tươi tốt mang ra giàn trồng. Từ khi ươm đến thu hoạch mất khoảng 40 - 45 ngày.
Du khách vừa tham quan mô hình vườn rau vừa kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG
Do kinh nghiệm chưa nhiều, vài lần thiệt hại, nhiều lứa rau hỏng dù đã sắp đến ngày thu hoạch. Nhưng với sự quyết tâm, cố gắng hết mình cùng niềm đam mê, sau những lần thất bại, dần dà anh Linh rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình của mình. Đến nay, vườn rau phát triển khá tốt, trung bình mỗi ngày cung cấp 15 - 20kg rau cho các nhà hàng, khách sạn tại địa phương.
Qua thông tin trên mạng xã hội, rất đông khách hàng tìm đến tận vườn để mua, nhiều thời điểm đứt hàng, không kịp cung cấp. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh Linh thu về 15 - 18 triệu đồng. “Muốn khởi nghiệp thành công chỉ đam mê thôi là chưa đủ. Rất nhiều bạn trẻ tìm đến vườn để học hỏi mô hình, rồi về tự lắp đặt nhưng chỉ sau một lần thất bại thì lại bỏ cuộc. Nghề trồng rau dù nhìn đơn giản nhưng rất vất vả, phải có sự quyết tâm kiên trì theo đuổi, dần rút kinh nghiệm và thành công sẽ đến sau đó” - anh Linh nói.
Mô hình lưu trú
Có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành du lịch, anh Linh nhìn nhận, lượng khách du lịch đến Hội An ngày càng nhiều, đòi hỏi không gian nghỉ dưỡng cần được mở rộng. “Cảnh quan của vùng ven Hội An đang bị bê tông hóa để xây dựng nhà nghỉ, homestay làm mất đi vẻ thanh bình của làng quê. Tôi mong muốn mang đến một mô hình lưu trú thân thiện với thiên nhiên, tận dụng giá trị nhưng vẫn bảo tồn được vẻ đẹp hoang sơ của quê hương dừa nước Cẩm Thanh” - anh Linh chia sẻ.
Bên trong ngôi nhà gỗ lưu trú. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG
Tự tìm tòi thiết kế trên mạng, nghiên cứu thay đổi để phù hợp khí hậu ở Hội An, anh Linh lên ý tưởng cho mô hình lưu trú hoàn toàn bằng gỗ có thiết kế độc đáo, đầy đủ tiện nghi bên trong. Tháng 7.2018, từ nguồn vốn vay mượn người thân, anh Linh bắt đầu khởi công xây dựng. Khai thác địa thế đẹp, rừng dừa rợp bóng với nhánh sông Cổ Cò uốn lượn xung quanh, anh thiết kế khu homestay gồm 10 căn villa bằng gỗ. Trên diện tích 18 - 28m2, mỗi phòng đều riêng biệt như một căn nhà thu nhỏ. Từng trang thiết bị bên trong, anh đều tự tìm mang về và hoàn thiện sao cho nhỏ gọn, tiện dụng nhưng không kém phần tinh tế.
Bên cạnh đó, anh Linh kết hợp làm dịch vụ du lịch sinh thái với vườn rau thủy canh của mình. Đến đây, ngoài được nghỉ ngơi, du khách còn được tham quan vườn rau, tìm hiểu quy trình và còn có thể tự tay trồng, từ cách gieo hạt, vào phân đến thu hoạch mang về. Dù sản phẩm du lịch của anh đưa vào phục vụ du khách không lâu nhưng số lượt đặt chỗ trong những ngày cao điểm rất nhiều, cuối tuần thường kín phòng. Ban đầu, đối tượng khách anh Linh muốn hướng đến là người nước ngoài, nhưng thời điểm hiện tại, rất nhiều du khách Việt Nam tìm đến. Đây là tín hiệu khả quan, phần nào chứng minh được sức hấp dẫn mà mô hình mang lại.
Các ngôi nhà gỗ được bố trí trong khu vườn rau. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG
Không chỉ khởi nghiệp cho riêng mình, anh Linh còn mong muốn mang lại cơ hội việc làm cho người dân quê hương, xây dựng một sản phẩm du lịch mới lạ đáp ứng thị hiếu du khách, nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp vốn có của làng quê xứ dừa nước. “Được trở về và phát triển trên mảnh đất quê hương mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy những thứ mình ấp ủ đi vào guồng và hoạt động tốt. Mỗi ngày trôi qua là một cơ hội thử thách cho bản thân, tôi luôn giữ cho mình một nguồn năng lượng tích cực để không ngừng sáng tạo. Tôi cảm nhận rằng mỗi một thất bại, thăng trầm đã trải nghiệm đều làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn” - anh Linh tâm sự.