Ít ai nghĩ rằng, ở nơi “khe sâu núi thẳm” hẻo lánh, không bóng người lại có một lão nông “dám nghĩ, dám làm” vác tiền nhà mua lưới, làm cọc ngăn sông nuôi cá. Chính cách làm ấy, đã biến vùng đất hoang vu trở nên nhộn nhịp người ra vào mua loại cá nuôi thả tự nhiên có chất lượng thịt ngon. Tiếng lành đồn xa người đến mua cá ngày càng nhiều.
Ngày nào ông Dành cũng chèo thuyền đi kiểm tra khu vực nuôi cá của mình.
Trao đổi với ông Dành, được biết: Đoạn sông mà ông Dành ngăn nuôi cá rộng hơn 10.000 m2, mực nước sâu khoảng 26m. Đoạn sông này vốn là vùng bán ngập. Trước đây, vùng này là nơi người dân canh tác nương rẫy. Từ khi thủy điện Sơn La tích nước, khu này đã trở thành khe nước lớn lọt thỏm giữa hai quả đồi, khoảng cách hai bờ dài chừng 50m, rất thuật lợi để nuôi cá.
Thấy vậy, năm 2015, ông Dành bàn với gia đình viết đơn xin chính quyền xã cho phép được khoanh làm khu nuôi cá. Sau đó, ông vay mượn tiền của hàng xóm cùng vốn tích góp của gia đình được hơn 140 triệu đồng, đầu tư cải tạo, mua lưới, làm cọc “rào ngăn” dòng nước lại rồi mua cá giống về thả.
Nhờ mặt nước rộng nên mô hình nuôi cá của ông Dành phát triển tốt.
Gia đình ông Dành thuộc diện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, gia đình ông đã nhường đất, di vén lên nơi ở mới cao hơn cách nơi ở cũ chừng 2km. Gia đình ông được chia mỗi nhân khẩu 3.000 m2 đất sản xuất. Bao nhiêu đất ông không bỏ tấc nào, hết trồng ngô rồi lại trồng sắn, nuôi gà, nuôi vịt...
Năm này qua năm khác “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống khó khăn cứ đeo đẳng gia đình ông Dành. Từ ngày ông ngăn sông nuôi cá cuộc sống gia đình khấm khá hẳn. Không những thế, ông còn được công nhận danh hiệu là gia đình sản xuất kinh doanh giỏi.
Nhờ được nuôi trong môi trường nước tự nhiên nên cá của ông Dành phát triển tốt, lớn nhanh.
Ông Dành cho biết: Gia đình tôi canh tác nương rẫy trồng ngô, sắn ở khu vực này đã nhiều năm. Lúc thủy điện tích nước, mực nước dâng cao, sâu cả chục mét, khi thủy điện xả thì trở thành hồ nước nhỏ rất thuận lợi để nuôi cá. Vì thế tôi mạnh dạn cải tạo làm khu nuôi cá.
Vùng nuôi cá lúc nào nước cũng trong xanh, sạch, vì thế cá nuôi ít bị dịch bệnh.
Vì vùng nước rộng, sâu nên cá lớn nhanh, chưa đầy một năm mà có con cá trắm đã to 5kg – 6kg, mà hầu hết cá được nuôi thả tự nhiên. Tuyệt đối ông Dành không cho cá ăn thức ăn công nghiệp, chỉ cho ăn sắn nghiền, cây chuối băm nhỏ và cỏ dại trên rừng.
“Vì dòng nước được ngăn lưới nên các sinh vật phù du vẫn có thể ra vào trong khu vực nuôi, là một phần thức ăn của cá. Hơn nữa nguồn nước ở đây sạch, không bị ô nhiễm nên cá phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, lớn nhanh”, ông Dành chia sẻ.
Ngoài thức ăn tự nhiên, cây chuối cũng là thức ăn được gia đình ông Dành dùng để cho cá ăn.
Đã 3 năm nuôi cá, năm nào ông Dành cũng thu 2 – 3 tấn cá. Giá bán tùy theo trọng lượng, thông thường cá dưới 4kg bán từ 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg, từ 4 kg trở lên bán từ 100.000 đồng/kg trở lên, thậm chí có những thực khách họ không ngại ngần trả giá cao hơn vì thấy chất lượng cá ngon. Vụ cá vừa rồi trừ cả chi phí ông Dành lãi gần 300 triệu đồng. Cá luôn được các nhà hàng, chợ huyện đến đặt mua thường xuyên, vì thế cá nuôi của ông Dành lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng.
Khu lán trại của ông Dành dựng ở để trông nom khu nuôi cá.
Để tiện chăm sóc, ông Dành dựng luôn lán trại ở ngay cạnh bờ sông, hai vợ chồng ở hẳn trên lán, vừa nuôi cá, nuôi gà, trồng cây… Chính vì vậy, khách lạ đến khu chăn nuôi của ông Dành ai nấy đều tỏ ra thích thú, muốn ghé thăm nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm cảnh sông nước. Hiện nay, mô hình nuôi cá của ông Dành đang trở thành mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã Mường Trai.