Vườn cam V2 của ông Tuấn
Vốn là “dân” nông học, có nhiều năm công tác ở cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, tôi đã có điều kiện tiếp cận với nhiều nhà vườn trồng cây có múi trên miền Bắc, được trải nghiệm rất nhiều hương vị thơm ngon của các loại cam. Nhưng ít thấy nơi nào thâm canh được những trái cam V2 thơm ngon khác biệt như nhà vườn của lão nông Đào Anh Tuấn ở thôn Đại Tài, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên).
Không chỉ riêng tôi, mà cả đoàn cán bộ khuyến nông tỉnh Hưng Yên, sau khi nếm thử cam V2 sản xuất ra từ nhà vườn lão Tuấn, đều phải líu lưỡi tấm tắc: “Trên cả mức tuyệt vời”, “Không còn gì phải nói”. Trái cam nào cũng mọng nước, múi dễ tách. Chất lượng thì thôi rồi! Cứ đặt miếng cam lên đầu lưỡi là vị ngọt mát đã lan tỏa tới từng làn da thớ thịt. Chắc chắn những quí khách sành ăn, khó tính nhất cũng không thể chê vào đâu được. Tôi đã cố tình chậm rãi nhấm nháp từng tép cam từ bàn tay thô ráp của lão Tuấn chìa ra, mà vẫn không tìm thấy bất kỳ mùi hôi hay vị he đắng nào đó.
Để làm ra được những trái cam thơm ngon khác biệt như vậy, ông Tuấn đã lựa đúng giống cam V2 sạch bệnh, trồng cây đã qua vườn giâm được 2 - 3 năm. Chọn những ruộng đất thịt nặng pha sét, lên luống cao vượt khỏi mặt vườn 50cm và làm rãnh thoát nước sâu 40cm, cắt bỏ một phần rễ cọc trước khi đặt bầu trồng cây.
Bón gốc bằng phân hữu cơ Komix, NPK 13-13-13+TE và NPK 7-7-14 (S), bón lá Siêu Kali. Không sử dụng hóa chất trừ cỏ cho vườn cam. Điều khiển tưới nước tự động từ xa thông qua sóng điện viễn thông và hệ thống phun mưa (công nghệ Isael) lắp đặt tới từng gốc cây. Dùng máy đo pH đất định kỳ để điều chỉnh liều lượng, tỷ lệ phân bón hợp lý. Thường xuyên loại bỏ các cành cam vô hiệu, cành sâu bệnh, cành khuất sâu trong tán và cành vượt. Phòng trừ các loại sâu bệnh chủ yếu bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc và sinh học...
Giải thích cho kỹ thuật trồng cam nói trên, ông Tuấn chia sẻ: Cây giống 2 - 3 năm tuổi sẽ cho thu quả cao sản ngay sau trồng 1 - 2 năm. Chặt bỏ bới rễ cọc để phòng cho cây không bị ảnh hưởng bới mực nước ngầm dâng cao, cam sẽ không bị thối rễ và lâu già cỗi. Lên luống cao là để các rễ tơ của cây nằm chủ yếu trong tầng canh tác, thấm hút nhanh các loại phân bón, thúc đẩy tăng trưởng.
Bón Siêu Kali qua lá sẽ làm tăng độ ngọt trong quả. Không phun hóa chất trừ cỏ để tránh ô nhiễm môi trường và bảo vệ độ màu mỡ cho đất vườn. Cắt tỉa thường xuyên cho vườn cam có ý nghĩa giúp cây trồng trẻ hóa tuổi sinh lý, tránh tiêu hao năng lượng cho việc duy trì các cành già cỗi, cành vô hiệu, giúp cho cây lúc nào cũng ở tư thế sung sức, tăng khả năng chống chịu, sai hoa, nhiều quả, ít sâu bệnh.
Đặc biệt việc trồng cam trên đất thịt nặng pha sét được coi là bí quyết để tạo ra những trái cam thơm ngon khác biệt của ông Tuấn. Bởi đất thịt nặng pha sét rất giàu dinh dưỡng, nhất là những vi lượng quí hiếm, không thể thay thế.
Tâm sự với chúng tôi, ông Tuấn kể: “Có thời kỳ mình đã sắm tới 2 - 3 xe ô tô chuyên nhận hợp đồng chở hàng hóa cho các công ty. Nhưng chạy xe cả chục năm trời vẫn không dư ra được đồng nào, vợ con vẫn nheo nhóc, nhà cửa vẫn xập xệ. Tự thấy bản thân không có duyên với nghề kinh doanh vận tải, mình đã giải nghệ, bán hết xe ô tô, rồi nghe theo lời khuyên của bạn bè, chuyển sang thuê ruộng canh tác lập trang trại trồng cam”.
Nhờ thường xuyên truy cập các thông tin kỹ thuật trên sách báo và học hỏi kinh nghiệm thâm canh cây ăn quả từ các lão nông tri điền, chỉ sau gần 5 năm thuê ruộng làm trang trại, ông Tuấn đã có tiền xây nhà trị giá tới 1,7 tỷ đồng. Cả làng ai cũng ngỡ ngàng. "Có người còn hồ nghi, cho rằng mình buôn cái “chết trắng” – ông Tuấn thổ lộ.
Ngoài chuyên canh cam V2, mỗi năm ông Tuấn còn trồng thêm được hàng trăm chậu bưởi cảnh các loại. “Chỉ riêng nguồn thu này đã bằng thu nhập của 2 -3 xe ô tô tải chạy suốt năm” – ông Tuấn cho biết thêm.
Tại Hội chợ Xuân Hưng Yên 2019, trong khi các nhà vườn khác bán cam Vinh được giá 20.000 – 25.000 đồng/kg thì ông Đào Anh Tuấn đã bán cam V2 tới giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, mà thực khách vẫn chen mua tấp nập. |