hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Gìn giữ cho đời sau (19/11/2018)
Cùng với các công trình, kiến trúc văn hóa lâu đời, những di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cũng đang phải đối diện với nhiều nguy cơ mai một. Làm cách nào để trao truyền di sản quý báu này cho thế hệ sau là một dấu hỏi lớn...

Thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở miền núi thiếu hụt rất lớn sự chung tay của các thế hệ kế cận. Ảnh: x.hiền

Thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở miền núi thiếu hụt rất lớn sự chung tay của các thế hệ kế cận. Ảnh: x.hiền

Hội nghị DSVHPVT khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2018 vừa tổ chức tại TP.Huế với chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ DSVHPVT vì sự phát triển cộng đồng bền vững” đã đưa ra rất nhiều bài học về câu chuyện bảo tồn và phát huy các vốn liếng văn hóa truyền thống này. Hội nghị đã đưa ra những cam kết liên quan đến việc tăng cường sự chung tay của cộng đồng, thông qua việc bảo vệ DSVHPVT.

Vòng tay từ cộng đồng

Ông Kwon Huh - Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và mạng lưới quốc tế về DSVHPVT khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ICHCAP) chia sẻ, DSVHPVT có vai trò rất lớn cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cộng đồng. “Và để có thể bảo vệ được giá trị văn hóa quý báu này rất cần sự chung tay của nhiều tổ chức có liên quan trong xã hội, bao gồm: chính quyền, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ. Cần sử dụng những chiến lược gì để trao quyền cho các cộng đồng để họ trở nên bền vững, sáng tạo và hòa nhập?” - ông Kwon Huh nói. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, có nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được gìn giữ đến hôm nay nhờ cộng đồng, đặc biệt, đối với DSVHPVT, cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất. Di sản có tồn tại được hay không và nó sống trong đời sống đương đại như thế nào chắc chắn đều phải dựa vào cộng đồng.

Câu chuyện này càng xác đáng đối với hiện trạng của DSVHPVT tại Quảng Nam. Bài chòi chính là điển hình của việc sống dậy mạnh mẽ nhờ sự yêu quý say mê từ các cộng đồng dân cư ở khắp mọi nơi. Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa huyện Thăng Bình cho biết, ở những vùng quê miền biển, đặc biệt ở khu vực xã Bình Hải, bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu. Đây cũng chính là địa phương còn lưu giữ hình thức sinh hoạt của trò chơi bài chòi truyền thống và được Cục Di sản lựa chọn để ghi hình lưu trữ tư liệu di sản cũng như đóng góp khá lớn vào danh hiệu DSVHPVT của nhân loại do UNESCO công nhận đối với bài chòi. Quảng Nam cũng là một trong những địa phương được Bộ VH-TT&DL nhìn nhận đã thực hiện tốt mô hình bảo tồn di sản bằng cách liên kết giữa UNESCO - Nhà nước - Cộng đồng.

“Nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã ngăn chặn được nguy cơ mai một, thất truyền của rất nhiều các loại hình văn hóa dân gian truyền thống. Thêm nữa, các DSVHPVT được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng. Điều này cho thấy được sự quan tâm đúng hướng về bảo tồn của Quảng Nam” - PGS-TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết.

Hỗ trợ “báu vật sống”

Việc trao truyền di sản là quá trình kết nối giữa nghệ nhân và những lớp thế hệ sau. Tìm kiếm phương án để dung hòa được tri thức dân gian trong thời đại mới, phù hợp với xu thế là một việc khó. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, dẫu có rất nhiều ưu đãi để kiếm tìm các thế hệ kế cận cho nghề truyền thống, nhưng xem ra ở Hội An dù rất nhiều lợi thế cho việc bảo tồn, vẫn phải kêu khó. Ở nhiều vùng miền khác, việc kiếm tìm truyền nhân cho các loại hình khác gần như được xếp vào loại vô vọng.

Hội nghị Bảo tồn DSVHPVT tại Huế xác định, điều quan trọng nhất là làm sao để có được sự truyền thừa từ các nghệ nhân lớn tuổi, những báu vật sống đó cho thế hệ trẻ về những tri thức truyền thống, trong đó có DSVHPVT. Các lớp truyền dạy DSVHPVT được tổ chức tại nhiều địa phương, nhưng số lượng thành viên đi sâu theo bộ môn gần như rất hiếm. Ngay cả với các địa phương miền núi, khi các giá trị văn hóa truyền thống cùng bản sắc định danh cho mỗi tộc người, cũng đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến dạng vì nhiều lẽ. Nghệ nhân Hồ Văn Ly (xã Phước Mỹ, Phước Sơn), cho biết, địa phương mình gần với huyện Đăk Lây (Kon Tum), chỉ riêng ở thôn bản, văn hóa truyền thống chỉ xuất hiện khi được Nhà nước hỗ trợ tổ chức. Riêng về việc sưu tầm hay truyền dạy, ông nói, không ai làm cho mình, mình phải tự nghiên cứu, gìn giữ. “Nghiên cứu bảo tồn phải từ người già. Thanh niên ở địa phương gặp vấn đề về tiếp cận, bản thân nghệ nhân muốn truyền lại cũng gặp nhiều khó khăn” - nghệ nhân Hồ Văn Ly nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  646 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 41 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20 40
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com