Lão nghệ nhân Phan Quang Tám có thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ kinh tế vườn. Ảnh: P.PHƯƠNG
Thu nhập cao từ miệt vườn
Vốn làm việc trong ngành cầu đường, khi tuổi cao, ông Phan Quang Tám trở về bám trụ và làm giàu từ mảnh vườn ở quê nhà. Với khu vườn rộng 5.000m2 ở thôn Phong Thử, ông bắt đầu trồng các giống cây ăn quả miền Nam, học hỏi kỹ thuật ghép cành, ghép hoa, nâng chất lượng nguồn giống và cung ứng giống tại chỗ. Với bà con ở quê, nhìn ông lão có mái tóc dài đến vai, chòm râu để dài, ngày ngày tỉ mẩn chiết cây ghép cành, nhiều người gọi đùa ông là “lão nghệ nhân làm vườn”. “Người ta thương thì đặt vậy thôi” - ông Tám cười. Ông chia sẻ: “Tôi vốn làm cầu đường, đi rất nhiều nơi nhưng ngày trước lương rất thấp nên tôi nghĩ mình chuyển sang làm kinh tế vườn hợp hơn”.
Trong một lần được đi tham quan nhiều mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở miền tây sông nước, ông có ý định nghiên cứu lựa chọn giống phù hợp đưa về xứ Quảng trồng. Ông Tám cũng đã lai ghép thành công giống hồng bưởi mới, lai từ 4 - 5 dòng bưởi (bưởi Năm Roi, bưởi Hải Dương, Hà Nội...), giống này có trọng lượng mỗi trái 5kg. Trong khuôn viên vườn rộng 5.000m2, ông Tám đã trồng được nhiều loại cây ăn quả khác như 130 gốc mít Thái Lan, 600 gốc ổi Lê Đài Loan. Với vườn mít Thái Lan, 130 cây mít mỗi năm giúp ông thu về 130 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí. Hay như giống ổi Lê Đài Loan, cho hơn 1 tạ trái mỗi cây/năm. Vườn bưởi, mít, ổi, sau khi trừ chi phí mỗi năm ông thu về 300 triệu đồng. Sản phẩm tại vườn đều được thương lái tới thu gom hết. “Người ta tự tìm đến mua. Giờ mạng xã hội phát triển, nhiều người muốn mua nhiều, chỉ cần điện thoại, đặt số lượng là gửi tận nơi. Rồi cũng nhiều tổ chức, cá nhân tới tận vườn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm” - ông Tám trải lòng.
Phát triển du lịch sinh thái vườn
Ngoài thu nhập từ vườn cây ăn quả, ông Tám còn có thâm niên nghề nuôi cá cảnh. Hồ nuôi cá cảnh với cá cam, cá chép... cũng từng giúp ông có thu nhập cao, bởi mỗi con cá cảnh với giá bán 5 -10 ngàn đồng/con, lợi nhuận tăng theo cấp số nhân. Kinh nghiệm thì ông có sẵn, nhưng khó nhất hiện nay là những cơn lũ về chớp nhoáng khiến ông không kịp trở tay. Những năm 2008, 2009, lũ về đột ngột quá, cả ao cá cảnh đang cho thu nhập trôi sạch, mất trắng gần cả tỷ đồng, xót của, vợ ông khóc như mưa, riêng ông vẫn bình thản, quyết tâm gầy dựng lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chỉ cần có ý chí, nghị lực thì cái gì cũng sẽ có. Chỉ cần có 400 cặp cá giống bố mẹ, sau khi nuôi 3 - 5 tháng, xuất bán chừng một vạn cá con, ông đã lấy lại được nguồn thất thoát từ năm trước.
Tuy nhiên, lũ lụt trái mùa, rồi thủy điện xả lũ thất thường, lại thêm tuổi già nên ông nghỉ nuôi cá cảnh để sức tập trung vun xới cho mảnh vườn. Nuôi cá chủ yếu để tạo cảnh quan, làm du lịch thôi. Vườn nhà ông Tám còn trồng nhiều giống lan, ông vừa chơi để thỏa mãn thú vui, vừa có kinh tế. Ông cũng đang thí nghiệm 3 loại nho trắng, đỏ, tím trước làm đẹp cho vườn. Ông Tám còn dự định cải tạo lại toàn bộ mảnh vườn, trồng nhiều hoa và cây cảnh, đầu tư làm thêm một số chòi tranh quanh các hồ để khách du lịch có thể ngồi câu cá, tổ chức ăn uống, tiệc tùng. Khách đến vườn có thể tận tay hái hoa quả, tự câu cá để chế biến món ăn, được phục vụ một số món địa phương. “Ở đây nhiều người biết nên không cần phải quảng bá nhiều, chỉ cần tạo cây ăn quả sạch, có cảnh đẹp, cung ứng thực phẩm sạch tại chỗ để họ thưởng thức, có chỗ ngồi thú vị thì khách xa gần cũng sẽ tự tìm đến thôi” - ông Tám nói.