Ông Phạm Hồng với mô hình chuối cấy mô đang phát triển rất tốt tại xã Tiên Hà. Ảnh: D.L
Phát triển kinh tế vườn
Ông Thái Viết Đó ở thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, phát dọn, chỉnh trang khu vườn trồng lại các loại trái cây sầu riêng, măng cụt, thanh trà, tiêu. Ông Đó bỏ công và tiền của đầu tư làm vườn. Khi địa phương triển khai xây dựng mô hình theo Đề án 548, ông đăng ký. Ông Đó cho biết: “Tôi cũng như người dân ở trong thôn, ai có vườn cũng cố gắng chỉnh trang, làm vườn xanh tốt trở lại bởi đây là sinh kế, chứ không phải đợi có hỗ trợ mới làm”.
Mấy năm gần đây, nhà nào ở Tiên Phước cũng cải tạo vườn bởi cây trái của Tiên Phước đã được biết đến nhiều, khách hàng ưa chuộng nên vườn đã đem lại nguồn thu lớn cho mỗi gia đình. Huyện có cơ chế hỗ trợ cho người dân, giúp họ có thêm động lực để làm vườn, phát triển kinh tế tốt hơn.
Tại Tiên Kỳ, hơn 60 hộ dân đăng ký thực hiện mô hình theo Đề án 548, chỉnh trang vườn nhà, trồng cây ăn quả cho hiệu quả cao.
Tại xã Tiên Hà, mô hình chuối cấy mô của ông Phạm Hồng phát triển theo Đề án 548. Ông Hồng cải tạo vườn, thuê xe múc đào đất, vun luống để trồng chuối theo đúng kỹ thuật. Vườn chuối của ông có 400 bụi với 1.200 cây xanh mướt, đang bắt đầu trổ buồng. Ông Hồng nói: “Tôi thấy mô hình mới hiệu quả, lại được Đề án 548 xem xét, thấy mô hình của tôi cũng hợp với những điều kiện, tiêu chuẩn của chính sách nên hỗ trợ. Xã, huyện đã khảo sát, sắp tới sẽ hỗ trợ hơn 10 triệu đồng. Nghe thế tôi cũng mừng, có thêm chính sách hỗ trợ cho người dân thì giúp được dân phấn khởi làm ăn. Tôi làm mô hình này cũng hy vọng thành công để bà con thấy thế làm theo”.
Hỗ trợ nhân dân
Đề án 548 của Tiên Phước được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3150/QĐ-UBND ngày vào tháng 8.2017. Đề án tập trung hỗ trợ nhân dân xây dựng mô hình và chỉnh trang vườn vùng lõi, vùng đệm theo quy hoạch phát triển du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng. Đặc trưng chính là du lịch sinh thái vườn đồi kết hợp với những giá trị văn hóa, lịch sử sẵn có của địa phương. Từ khi triển khai Đề án 548 đến nay, người dân trong toàn huyện đã xây dựng hơn 450 mô hình trồng tiêu, thanh trà, măng cụt, lòn bon, sầu riêng, cau, dó, chuối, quế quy mô lớn và mô hình trang trại, với diện tích hơn 1.120ha và các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Từ ngõ nhà đến các bờ vườn, người dân chất bờ đá chỉnh trang vườn, đường làng, ngõ xóm tập trung ở làng du lịch và các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Phong trào cải tạo vườn, trồng nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao đang được người dân Tiên Phước tập trung thực hiện. Từ đó đã thúc đẩy và hình thành được nhiều mô hình vườn mẫu, làng mẫu, khu dân cư kiểu mẫu có giá trị khai thác du lịch trong toàn huyện. Giá trị hỗ trợ các hạng mục kinh tế vườn, trang trại theo cơ chế của Đề án 548 trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 5,5 tỷ đồng”. Ngoài ra, Tiên Phước đã lồng ghép cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân theo cơ chế xây dựng nông thôn mới, tạo thêm động lực giúp người dân yên tâm sản xuất, trồng cây trái. Thực hiện Đề án 548, mỗi năm huyện Tiên Phước sẽ được ngân sách tỉnh cấp thêm từ 10 - 15 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân. Quan trọng hơn, khi thực hiện Đề án 548, Tiên Phước đã khơi dậy được nội lực trong nhân dân. Người dân đã bỏ công sức lao động, tiền của để chỉnh trang, cải tạo lại khu vườn của họ, giữ lại được những loại cây trái đặc trưng của Tiên Phước, trồng thêm nhiều loại cây trái có giá trị kinh tế cao, làm thay đổi đời sống người dân, xa hơn là bộ mặt nông thôn ở miệt vườn trung du xứ Tiên.