Vườn trái cây 4ha của anh Hiệp đang cho thu hoạch mùa đầu tiên. Ảnh: HỒ QUÂN
Anh Nguyễn Quảng Hiệp cho biết, năm 2011 sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn, anh xin vào làm việc tại một công ty cao su ở huyện Nam Giang. Tuy nhiên được 3 năm, anh nhận thấy công việc quá bấp bênh và không phù hợp với khả năng của bản thân nên quyết định trở về quê lập nghiệp. Từ đây, niềm đam mê làm vườn lại trỗi dậy, thôi thúc anh bắt đầu chú tâm nghiên cứu và tìm cho mình hướng đi mới.
Năm 2015, tận dụng 4ha đất hoang vườn nhà, anh Hiệp đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo và mua các loại giống cam sành, cam giấy, chanh không hạt, quýt đường và thanh trà để trồng với mật độ 20 cây/sào.
Anh Hiệp chia sẻ: “Bốn héc ta này trước đây là khu vực trồng cà phê của gia đình. Do điều kiện khí hậu, đất đai không phù hợp, cây cà phê chết dần nên gia đình đã phá đi và bỏ hoang nhiều năm nay. Với vốn kiến thức tích lũy trong khoảng thời gian học đại học, tôi phát hiện điều kiện ở địa phương tuy không phù hợp cho cây công nghiệp phát triển nhưng trồng cây ăn quả thì khá hiệu quả. Bên cạnh đó, cây ăn quả không cần vốn đầu tư nhiều, không tốn nhiều công chăm sóc nên đây là một lựa chọn an toàn để khởi nghiệp từ kinh tế vườn”.
Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, chỉ trong vòng 3 năm, khu vườn 4ha bắt đầu đem lại “quả ngọt”. Vườn trái cây ra hoa vào khoảng tháng 3 và cho trái vào đầu tháng 7 năm nay. Tuy là lứa đầu tiên nhưng hơn 2.000 gốc cam, 300 gốc chanh, 200 gốc quýt đường và 100 gốc thanh trà cho sản lượng khá cao. Riêng đối với cam, 1 sào đã cho thu hoạch hơn 1 tạ, lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng.
Nuôi gà dưới vườn trái cây giúp anh Hiệp thu nhập 150 triệu đồng/năm. Ảnh: HỒ QUÂN
Song song với trồng cây ăn quả, anh Hiệp còn tận dụng các khoảnh đất trống trong vườn để nuôi gà và cá trê theo mô hình vườn - ao - chuồng. Mỗi năm, anh lãi hơn 150 triệu đồng từ việc bán gà và cá. Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
“Theo dự tính, trong khoảng 3 năm tới, nếu phát triển đúng hướng mô hình này có thể cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, lúc này vườn trái cây đang giai đoạn đầu nên tôi ưu tiên phát triển ao cá và tăng số lượng gà nuôi để tạo nguồn phí đầu tư mở rộng vườn cây ăn quả lên 5ha. Bởi hiện tại, vườn có hơn 1ha đất hoang chưa thể sử dụng do nằm sát bờ sông có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Có điều kiện hoàn thành tuyến kè sông, tôi sẽ đầu tư và đưa vào khai thác diện tích đất này” - anh Hiệp nói dự định sắp tới.
Ông Trần Ngọc Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dương cho biết, mô hình của anh Nguyễn Quảng Hiệp được chọn làm điểm của xã về phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng. Anh Hiệp là tấm gương thanh niên tiêu biểu, biết tận dụng điều kiện sẵn có ở địa phương để vươn lên làm giàu.
“Địa phương đang tạo cơ hội để anh Hiệp tham gia, học tập tại các hội nghị, hội thảo của tỉnh về phát triển cây ăn quả để thành lập hợp tác xã nông nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho nguồn trái cây trong thời gian tới. Chính quyền xã cũng đang lên kế hoạch bê tông hóa tuyến đường dân sinh dẫn vào vườn của anh Hiệp để thương lái đến thu mua trái cây một cách thuận lợi nhất” - ông Thương nói.