hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Điện Bàn chuyển đổi cây trồng hiệu quả (13/11/2018)
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của Điện Bàn, người dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Trồng cây rau húng cho thu nhập khá ở Điện Nam Trung.Ảnh: P.PHƯƠNG
Trồng cây rau húng cho thu nhập khá ở Điện Nam Trung.Ảnh: P.PHƯƠNG

Thu nhập khá

Tại phường Điện Nam Bắc, trên các chân đất lúa chuyển đổi, nếu vụ đông xuân thuận lợi với các cây la ghim như ngò, xà lách, tần ô, khổ qua thì vụ hè thu, bà con trồng các loại rau như rau mùi, rau thơm, húng tròn, húng dài... để có kinh tế. Ông Kiều Đình Dinh (khối phố Bình Ninh, phường Điện Nam Bắc) cho hay, vườn rau húng của ông rộng 500m2, trồng rau thơm vụ thu đông vì đây là loại rau dễ sống, chịu ngập úng, sau lũ nếu sửa soạn chăm sóc thì tỷ lệ rau sống sót cỡ 50%, vẫn có để cung ứng cho thị trường. Mỗi ký húng tròn có giá 40 nghìn đồng, mỗi sào trồng rau húng bình quân đem lại thu nhập 12 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi 6 - 8 triệu/sào/tháng. Khi có rau, gia đình ông chỉ bỏ công cắt, chất vào bao để thương lái tới gom, không phải lo chạy chợ vì đã có sẵn mối quen. Ông Dinh cũng như một số hộ được địa phương hỗ trợ 50% ống tưới nước cho cây nên nguồn tưới hoàn toàn chủ động.

Tại phường Điện Nam Trung, người dân cũng chủ động trồng nhiều loại cây trái mùa như ớt xanh, măng tây xanh... để có thu nhập cao. Ông Nguyễn Tuân (trú phường Điện Trung) trồng ớt xanh trái vụ để có thu nhập cao. Ông cho biết, ớt xanh phải đến vụ đông xuân hay hè thu mới trồng được, nhưng thời điểm vụ thu đông này luôn có giá bán cao gấp nhiều lần, từ 30 nghìn đồng, có thời điểm ớt 70 nghìn đồng/kg vào thời điểm sau lũ lụt. Ông Tuân cho biết, vùng này cao lụt nên cây ớt trái vụ cho hiệu quả cao. Mỗi ngày ông hái 40 - 50kg ớt, với giá 20 - 30 nghìn đồng/kg, thu tiền triệu là có thể. Mỗi sào ớt trái vụ cho thu nhập tới 20 - 30 triệu đồng, có khi đạt 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn được một nửa. Cũng như ông Tuân, ông Lê Đình Hùng (khối phố 5B) trồng ớt trái vụ trên diện tích 500m2. Vườn ớt hiện cho thu nhập khá, mỗi sào ớt cho vài tạ quả tươi, thu nhập gấp mấy lần so với trồng rau, trồng hoa cúc. “Vùng này đất cát, dễ rút nước, lụt không tới nên nhiều người tranh thủ sản xuất để có giá cao” - ông Hùng nói.

Trên vùng này, còn nhiều nông hộ có thu nhập cao nhờ chuyên canh cây rau, hoa có giá trị. Có thể kể đến ông Lê Đức Cường chuyển từ trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng bông cúc các loại, thu nhập mỗi ngày 500 - 600 nghìn đồng; bà Võ Thị Thưởng (thôn 8B) trồng rau húng và các loại rau thơm khác với diện tích 2.000m2 cho thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng; bà Lê Thị Lượng trồng cây rau húng, rau thơm xen cây rau màu trên diện tích 500m2, nhờ đó kinh tế cải thiện hơn trước.

Mạnh dạn trồng giống mới

Theo ông Huỳnh Quang Hải - Phó ban Nông nghiệp phường Điện Nam Trung, toàn phường có 433ha trồng rau các loại... Từ năm 2015, phường đã quy hoạch, thực hiện dồn điền đổi thửa đối với khối phố 8B và vùng lân cận thành vùng sản xuất, chuyển đổi từ cây lúa, cây màu kém hiệu quả sang trồng các loại rau ngắn ngày có giá trị và thu nhập khá. Từ những mô hình nhỏ lẻ, manh mún ban đầu, từ năm 2017 tới nay, vùng sản xuất rau các loại được mở rộng, ngoài khối phố 8A, 8B, còn có Quảng Lăng 4, Quảng Lăng 2. Phường cũng tích cực mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn; tạo điều kiện đào kênh mương, đường dây điện, trụ điện, hỗ trợ đường ống tưới nước đối với hộ trồng từ 2 mẫu trở lên. Đầu ra sản phẩm không lo vì Trung tâm Khuyến nông thị xã (nay là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã) kết nối thị trường, hỗ trợ người dân rất tốt.

Nhờ khuyến khích của ngành nông nghiệp, ông Lê Tấn Hiệp (khối phố Quảng Lăng 4, phường Điện Nam Trung) đã mạnh dạn chuyển đổi vùng trồng rau sang trồng cây măng tây xanh trên diện tích 2.500mcho hiệu quả gấp 5 - 10 lần trồng rau. Nguồn giống măng tây xanh được ông bổ sung liên tục vào vườn để có thế hệ kế cận. Ngoài kinh nghiệm tự có, ông còn tham khảo trên nhiều diễn đàn, các trang mạng để đúc rút thêm kinh nghiệm, kỹ thuật trồng. Mỗi ngày vườn ông thu nhập 300 - 500 nghìn đồng. Mỗi ký măng tây xanh hiện tại giá 70 nghìn đồng, mỗi tháng ông thu về hơn 10 triệu đồng. Thời gian thu hoạch măng tây là 5 - 6 tháng, kể từ thời điểm trồng. Sau khi thu lứa đầu tiên, cần ngừng thu hoạch gần 1 tháng để cây có thời gian sinh trưởng và phát triển, tiếp đó thu hoạch trong 3 tháng liên tiếp và chu kỳ lặp lại.

Anh Đặng Hữu Đức (khối Quảng Lăng 1) cũng đã mạnh dạn đưa giống dưa lê về trồng xen kẽ với các vụ rau, hoa, cho thu nhập cao. Qua internet, anh Đức biết đến cây dưa lê, loại cây mang giá trị dinh dưỡng cao và dành thời gian nghiên cứu, đưa giống về trồng thử nghiệm trên diện tích vườn 1.000m2 trong nhà lưới do thị xã hỗ trợ 50% vốn. Ban đầu, anh chỉ chuyên trồng rau, hoa, nhận thấy thu nhập chưa tương xứng, anh bắt đầu đặt giống dưa đưa về trồng thí điểm. Giá dưa lê tại vườn được anh Đức bán mỗi ký là 25 nghìn đồng. Qua 1 năm trồng thử nghiệm, vườn dưa lê cho thu nhập 150 - 160 triệu đồng/sào. Tận dụng đất trống từ những luống dưa, anh Đức xen kẽ các loại rau cải, mồng tơi, xà lách... “Dưa lê có giá trị cao hơn hẳn cây rau, hoa nhưng lại khó trồng và đòi hỏi kỹ thuật cao. Khí hậu thích hợp với dưa lê là vào mùa nắng, cây mới đạt năng suất cao. Từ khi trồng, khoảng 2 tháng là có thu hoạch, nhưng để dưa chín đẹp thì mất 75 ngày. Mỗi năm tôi chỉ thu hoạch 2 lứa dưa, còn lại trồng cây rau màu. Nhờ có nhà lưới, hệ thống phun nhỏ giọt nên khâu chăm sóc, tưới nước thuận lợi nhiều” - anh Đức nói.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,102 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 40 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com