Có 3.321 loại thuốc BVTV phục vụ cây lúa
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc BVTV; đối với rau cũng có 260 sản phẩm thuốc BVTV. Các loại cây lấy quả như điều, hồ tiêu, càphê cũng phải chịu tới hàng chục loại thuốc BVTV/giống cây. Chính vì vậy, theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV, việc loại bỏ bớt các nhóm thuốc BVTV là hoàn toàn cần thiết. “Với cây lúa, nếu có phải loại bỏ tới 2.000 loại thuốc thì vẫn không bị ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc” – ông Trung nói.
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ NNPTNT đã loại bỏ 4 loại hóa chất khỏi danh mục sử dụng, gồm Acephate, Diazinon, Thalathion, Zine phosphide. Theo đó, sau 60 ngày kể từ ngày Quyết định số 3435 được ký, các loại thuốc BVTV chứa 4 hoạt chất trên không được phép nhập khẩu và chỉ được buôn bán, sử dụng tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.
Nhằm tiến tới một ngành nông nghiệp sạch, trên cơ sở loại bỏ những hoạt chất gây hại, ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2020, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%; rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.
Chia sẻ tại Tọa đàm: “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật – Định hướng và lộ trình thực hiện” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng 18.10, ông Hoàng Trung cho biết, việc loại bỏ hoạt chất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đó là kiên quyết loại bỏ thuốc BVTV nhóm 1, nhóm 2, là những loại ảnh hưởng đến sức khỏe, con người, môi trường, hiệu lực sử dụng thấp.
“Chúng tôi có một hội đồng rà soát các hoạt chất đáp ứng quy định, củng cố thông tin khoa học, các bằng chứng để hoàn thiện báo cáo khoa học; tổ chức hội đồng tư vấn đưa ra lộ trình loại bỏ để giảm tác động cho doanh nghiệp. Tôi cũng đánh giá cao sự tự nguyện của doanh nghiệp khi loại bỏ tới 184 sản phẩm có nguy cơ cao” – ông Trung nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Nguyễn Vinh Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc quản lý thuốc BTVV vẫn đang đứng trước 4 thách thức lớn, đó là, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tuy đã tương đối đầy đủ nhưng có một số quy định đã lỗi thời, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn; việc kiểm soát tồn dư chưa làm triệt để; danh mục thuốc đang mất cân đối trầm trọng, chủ yếu là thuốc dành cho lúa trong khi các cây khác chưa được ưu tiên; các chính sách thúc đẩy phát triển thuốc BVTV sinh học chưa rõ ràng.
Tiếp tục rà soát loại bỏ chất độc hại
Ông Hoàng Trung khẳng định, trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, việc tiếp tục rà soát, loại bỏ những loại thuốc BVTV độc hại là cần thiết.
Người dân vẫn lạm dụng thuốc BVTV trong canh tác. Ảnh: I.T.
Ông Trung cũng nêu một thực tế là hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thuốc BVTV đã bộc lộ một số thách thức, cho phép đối tượng đăng ký thuốc BVTV quá rộng, quá trình gia hạn chưa thực sự rõ ràng; chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm sinh học chưa đủ mạnh.
“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều loại dịch hại mới, chưa có thuốc phòng trừ, càng cần có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, chặt chẽ để quản lý sản xuất hiệu quả” – ông Trung nói.
Ông Trung cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khâu, giám sát quá trình khảo nghiệm để đảm bảo những sản phẩm được đưa vào danh mục đảm bảo chất lượng tốt, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng việc loại bỏ 30% các loại thuốc BVTV độc hại là cần thiết, là mệnh lệnh của lương tâm, tuy khó nhưng không phải không làm được nếu có sự phối hợp đồng bộ của ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Theo bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc Quản trị bền vững Công ty Syngenta Việt Nam, Trưởng nhóm truyền thông Croplife Việt Nam, để một loại thuốc đưa ra thị trường, các doanh nghiệp cần 11 năm nghiên cứu và 283 triệu USD, các doanh nghiệp sẵn sàng loại bỏ những loại thuốc độc hại nhưng vẫn cần một hành lang pháp lý ổn định, đúng thông lệ quốc tế để tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Văn Thòn, việc đẩy mạnh khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất an toàn, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” là một giải pháp then chốt để hướng đến sản xuất sạch. “Hiện nay, đang có hiện tượng cây trồng nghiện thuốc, nghiện phân bón, nếu không quản lý tốt, có phương thức canh tác phù hợp dễ dẫn đến nhờn thuốc, khi đó thì nguy hiểm vô cùng. Vì vậy, hướng đến sản xuất an toàn, sử dụng thuốc thông minh là mục tiêu cuối cùng chúng ta cần hướng đến” – ông Thòn nói.