|
Ông Nguyễn Đình Quốc cho vịt biển ăn. Ảnh: Q.VIỆT |
Mở hướng đi mới
Được hỗ trợ con giống và 90kg thức ăn hỗn hợp từ Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, gia đình ông Nguyễn Đình Quốc ở thôn Đông Thạnh Tây, xã Tam Hòa (Núi Thành) triển khai nuôi 200 con vịt biển (169 con mái, 31 con trống) từ tháng 6 đến nay. Vịt phát triển tốt, đạt trọng lượng hơn 2kg vào thời điểm này và sắp đẻ lứa đầu tiên. Theo ông Quốc, nuôi tôm bấy lâu nay không hiệu quả, sinh kế bấp bênh nên gia đình rất phấn khởi tham gia mô hình nuôi vịt biển. Đến nay, vịt phát triển tốt, hao hụt ít. Anh Trần Minh Tân - cán bộ phụ trách mô hình nuôi vịt biển của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, năm nay hỗ trợ 4.000 con vịt giống chia đều cho 20 nông hộ ở 2 xã Tam Hòa và Duy Thành (Duy Xuyên) nuôi vịt biển. Ngoài 90kg thức ăn, mỗi hộ còn được hỗ trợ 4 liều vắc xin để phòng chống bệnh. Ông Trần Xuân ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành (Duy Xuyên) tham gia mô hình từ tháng 6 năm nay cho biết, số lượng vịt con chết rất ít vì có sức đề kháng cao, phù hợp với điều kiện nuôi quanh các khu vực nuôi tôm bỏ hoang.
Nuôi vịt biển được triển khai ở Quảng Nam từ năm 2015 đến nay, áp dụng cho cả vịt đẻ và vịt nuôi lấy thịt. Năm 2016, sau khi nuôi vịt đẻ thành công, ngành chức năng đã hỗ trợ cho các nông hộ máy ấp trứng để tự chủ vịt giống, đưa vào nuôi đại trà. Tiếp đó, năm 2017, mô hình được nhân rộng, triển khai ở các huyện Thăng Bình và Núi Thành với hình thức nuôi lấy thịt và trứng. Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, vịt biển là giống mới, rất phù hợp với điều kiện thả nuôi ở các vùng bãi ngang ven biển, đặc biệt là tận dụng ở các diện tích nuôi tôm bị hoang hóa. Về vịt nuôi thương phẩm, tỷ lệ sống đạt 96%. Sau chừng 60 ngày nuôi, vịt đạt trọng lượng cỡ 3kg/con, bán khoảng 150 nghìn đồng/con, ổn định hơn so với nuôi vịt thông thường. Về nuôi vịt biển lấy trứng, tỷ lệ đẻ đạt 90%, trọng lượng trứng đạt 85g/trứng, bán được 4.000 nghìn đồng/trứng, cao hơn trứng vịt thông thường 800 đồng/trứng. Sau khi trừ chi phí, với mức nuôi 200 con, mỗi hộ có được nguồn thu hơn 6 triệu đồng/tháng.
Triển vọng ở vùng bãi ngang
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nuôi vịt thông thường ở các vùng bãi ngang ven biển bị thu hẹp dần trong thời gian qua, khi nguồn nước bị xâm nhập mặn, vịt bị quăn lông, giảm sản lượng trứng. Giống vịt biển được ngành chức năng đưa vào nuôi đã giải quyết vấn đề này, nhất là ở vào những thời điểm khô hạn, xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền. Thu nhập khá, thích ứng với biến đổi khí hậu, nuôi vị biển đã mở ra triển vọng mới cho sinh kế của người dân vùng bãi ngang ven biển Quảng Nam. “Chúng tôi vệ sinh thú y cho vịt đúng quy trình được tập huấn. Thực hành nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, tận dụng nguồn thức ăn ở các khu vực nuôi tôm bị hoang hóa cũng giúp nuôi vịt ổn định. Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi vịt, tăng thu nhập trong thời gian đến” - ông Đoàn Văn Sanh (thôn Bình An, xã Tam Hòa) - hộ nuôi vịt biển cho biết.
Ông Lê Thương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, có thể nhận định nuôi vịt biển phù hợp với các vùng bãi ngang ven biển của tỉnh, sinh trưởng, phát triển tốt, sinh sản đạt cao. Chất lượng thịt và trứng vịt biển tốt hơn vịt thông thường được thị trường đón nhận, bán giá cao. Nông hộ có nhu cầu nuôi vịt biển có thể tham khảo, học hỏi để ứng dụng rộng rãi ở các vùng nuôi nước mặn, nước lợ. Trong quá trình nuôi, nông hộ cần chú ý thực hiện nghiêm việc tiêm chủng các vắc xin phòng tránh bệnh theo hướng dẫn, ngăn ngừa các bệnh dịch tả và viêm gan siêu vi trùng.