Dự án không chỉ đưa năng suất lúa tăng bình quân gần 10 tạ/ha so với cùng kỳ mà còn tạo ra sản phẩm an toàn, môi trường sống thân thiện.
Tại thôn 1, xã Tiên An, mô hình được triển khai ngay từ đầu vụ hè thu với 30 hộ dân tham gia. Diện tích thực hiện mô hình là 1.000m2 với giống lúa TBR225, diện tích học viên tự ứng dụng bằng kiến thức đã được học là 3ha. Học viên được giới thiệu học tập các biện pháp kỹ thuật như công tác làm đất, vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ nguồn sâu bệnh có hại trong đất, ngâm ủ giống, mật độ gieo sạ thưa với 3kg giống/sào, sử dụng phương thức sạ hàng, cách bón lót, bón vôi khử chua phèn, cách sử dụng thuốc trừ cỏ... Xuyên suốt vụ sản xuất, lớp học tổ chức 5 buổi tập huấn với các chuyên đề: tưới nước tiết kiệm, phương pháp bón phân, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, cách xử lý rơm rạ, phế phụ phẩm sau thu hoạch, điều tra, hạch toán kinh tế sản xuất. Xen kẽ giữa các buổi tập huấn là 3 lần điều tra hệ sinh thái ruộng lúa để học viên nắm bắt tình hình sinh trưởng của cây lúa, diễn biến của dịch hại, thiên địch và cách tác động phù hợp tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt nhất. Nhờ kết hợp tốt giữa lý thuyết và thực hành, học viên tham gia học tập đông đủ, nhiệt tình nên lớp học đem lại hiệu quả thiết thực.
Anh Võ Văn Việt, học viên của lớp học chia sẻ: “Nhờ vừa học vừa làm ngay trên đồng ruộng của mình với sự chỉ dẫn nhiệt tình của giảng viên nên việc học tập dễ nhớ, dễ hiểu, ai cũng làm được. Bây giờ chúng tôi đã nhận ra sạ thưa có lợi hơn sạ dày, biết bón phân cân đối, giữ nước hợp lý, nhận biết được các loại sâu bệnh, biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng liều lượng để cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, ai cũng phấn khởi”. Qua kiểm tra thực tế đồng ruộng và gặt thống kê cuối vụ, các lớp học đã tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện mô hình. Theo đó, năng suất lúa đạt bình quân 58 - 65 tạ/ha, cao hơn 10 tạ /ha so với khi chưa thực hiện mô hình. Lợi nhuận tăng thêm 5 - 9,4 triệu đồng/ha. Đáng ghi nhận là lớp tập huấn đã giúp nông dân 2 xã Tiên Lộc và Tiên An thay đổi được nhận thức, tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, hiệu quả tạo ra sản phẩm an toàn, môi trường sống thân thiện, đồng thời tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các hộ nông dân trong sản xuất cũng như trong cuộc sống. Ông Lê Văn Thọ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết: “Cái được lớn nhất là các lớp học đã xây dựng được nhóm nông dân nòng cốt tại 2 địa phương triển khai mô hình. Đây sẽ là những kỹ thuật viên nông nghiệp tại chỗ giúp các địa phương tuyên truyền, nhân rộng mô hình tại cộng đồng, tạo sự lan tỏa, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững”.