Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ được tiến hành trong năm nay. Mục đích chính là làm sao tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi địa phương. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chương trình không chỉ đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, đó là giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) là 1 trong những sản phẩm tham gia phương án thí điểm OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2018
Theo đó, kế hoạch sẽ tập trung một số hoạt động chính, gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc chuyên trách, thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện; Tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện phát triển sản phẩm OCOP hoàn thiện/nâng cấp cơ sở sản xuất, mở rộng quy mô sản suất kinh doanh; Sử dụng và huy động các nguồn lực của nhà nước, nguồn vốn khác để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện OCOP; Quan tâm xây dựng các kênh thông tin để quảng bá sản phẩm OCOP của huyện… Trước mắt, trong năm 2018, phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ cho 3 sản phẩm tham gia phương án thí điểm OCOP năm 2018, tạo tiền đề để thực hiện Chương trình trong các năm tiếp theo.
Được biết, huyện Thăng Bình hiện có 8/131 sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm dự kiến lựa chọn hoàn thiện, nâng cấp trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đó là các sản phẩm: nước mắm Cửa Khe (Bình Dương), mực cơm hấp (Bình Minh), Nấm rơm (Bình Trị), Bún phổ khô (Bình Trị), Bánh tráng đa nem (Bình Trị), Cao chè vằng Miền Trung (Bình Phú), Hương Đốt – Tấn Hiếu (TT Hà Lam), Bún khô từ gạo đen (Bình Quý). Trong đó có 3/26 sản phẩm tham gia phương án thí điểm OCOP năm 2018, gồm: nước mắm cửa khe, Cao chè vằng Miền Trung, Bún khô từ gạo đen.
Ngoài 8 sản phẩm đã nằm trong danh mục OCOP của tỉnh, trên địa bàn huyện còn một số sản phẩm đã sản xuất ổn định, có thể tham gia OCOP như: Yến sào đất Quảng (Bình Đào), Dầu phụng (HTXNN Bình Nam), Gà sạch Bình Nam, rau sạch làng rau Hưng Mỹ (Bình Triều), Nấm Linh chi, Nấm Sò (Bình Tú), sản phẩn mây tre đan (cơ sở Đông Huy- Cụm CN Hà Lam – Chợ Được, Bình Phục). Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp được đánh giá cao, nếu được quan tâm đầu tư, hỗ trợ sản xuất tạo ra sản phẩm ổn định thì có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP như: Nếp hương bầu (Bình Đào, Bình Giang); Măng tây xanh (Bình Dương, Bình Triều); Kiệu dầm chua (Bình Phục); Dưa hấu Hắc Mỹ Nhân (TT Hà Lam); cao cà gai leo (Bình Chánh, Bình Định Nam); Tinh bột nghệ, sản phẩm từ gừng (các xã vùng Tây); nén (Bình Quế); dầu phụng, dầu mè (Bình Định Nam)…