hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Nhộn nhịp làng bánh ú tro Tân Phong (19/06/2018)
Những ngày cận Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), người dân ở làng Tân Phong (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) tất tả làm bánh ú tro nhằm kịp cung ứng nhu cầu của thị trường. Với họ, ngoài việc có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình thì điều quan trọng nhất là giữ gìn, phát huy nghề truyền thống mà cha ông để lại...

Những ngày qua, người dân làng Tân Phong tập trung làm bánh ú tro để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường.Ảnh: T.P

Những ngày qua, người dân làng Tân Phong tập trung làm bánh ú tro để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường.Ảnh: T.P

Có mặt tại làng Tân Phong, chúng tôi thấy từ người già đến trẻ nhỏ đều tập trung gói bánh ú tro. Bà Võ Thị Thúy Hiền - một người dân địa phương cho biết, mấy ngày qua gia đình bà phải huy động các thành viên để làm bánh. Mỗi người mỗi công đoạn khác nhau, từ việc chuẩn bị lá đót, chẻ sợi lác, vo nếp phơi khô, lọc tro ngâm nếp, gói và nấu bánh... Ai nấy đều làm một cách thành thục và tạo nên không khí hết sức rộn rã. Theo bà Hiền, gia đình bà làm nghề bánh ú tro cả mấy chục năm nay. Hằng năm, bắt đầu từ giữa tháng 4 âm lịch là vợ chồng bà phải lo chuẩn bị nguyên vật liệu, đến đầu tháng 5 tập trung gói và nấu bánh. Để có một chiếc bánh thơm ngon, dẻo, đẹp mắt, bà Hiền không xem nhẹ bất cứ công đoạn nào, trong đó đặc biệt chú ý đến việc phải tìm cho được cây mè khô để đốt lấy tro, sau đó hòa với nước cho tan, để lắng và lấy phần nước trong ngâm với gạo nếp. Bà Hiền chia sẻ: “Nghề này của ông cha để lại nên mình cố gắng duy trì. Tuy nhiên, hiện nay cái khó nhất là tìm nguyên liệu lá đót để gói bánh. Bởi những năm qua, người ta khai thác đất đá trên núi khá nhiều nên loại nguyên liệu này cũng dần khan hiếm”.

Trong khi đó, em Đặng Võ Huyền Linh (18 tuổi, ở thôn Tân Phong, xã Duy Châu) cho hay, bình quân mỗi ngày một người gói khoảng 500 cái bánh ú tro, người giỏi thì gói được 700 cái và thu nhập 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày. “Gia đình em có truyền thống làm bánh ú tro bán vào dịp Tết Đoan ngọ nên em biết gói bánh từ lâu. Mặt khác, Tết Đoan ngọ trúng kỳ nghỉ hè nên em có điều kiện phụ giúp ba mẹ gói bánh để kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải tiền học phí, mua sắm sách vở phục vụ cho việc học tập. Đặc biệt, bản thân em thấy rất vui khi gói những chiếc bánh đẹp để  thờ cúng ông bà, tổ tiên” - Huyền Linh bộc bạch.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng Tân Phong hiện có hơn 120 hộ dân chuyên làm bánh ú tro bán Tết Đoan ngọ. vào dịp này thu nhập bình quân của mỗi hộ khoảng 15 - 17 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở các địa phươg như Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình và TP.Đà Nẵng, Tam Kỳ… Ông Đặng Văn Kính - Trưởng ban Dân chính thôn Tân Phong cho biết, lâu nay cứ đến dịp Tết Đoan ngọ là người dân địa phương lại tập trung làm bánh ú tro. Nguyên liệu tạo nên một chiếc bánh gồm có gạo nếp đặc sản bản địa, nước cốt tro của cây mè khô, lá đót, sợi lác... “Ngày xưa, dân trong làng làm rất ít, chủ yếu là để thờ cúng tổ tiên. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây thị trường tiêu thụ sản phẩm rất mạnh vào dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch, nên rất nhiều gia đình làm bánh ú tro để bán. Nhiều người già, trẻ nhỏ không có điều kiện làm bánh tại nhà thì đi phụ giúp các gia đình khác để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống” - ông Kính nói.

Dù trải qua biết bao giai đoạn lịch sử nhưng người dân làng Tân Phong của xã Duy Châu vẫn lưu giữ nghề làm bánh ú tro truyền thống với mong muốn gìn giữ nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ Quảng.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  734 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 25 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com