Cánh đồng sen Trà Lý – Đồng Lớn ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Ảnh: C.N
1. Chạy xe từ đầu làng ra tận đồng sen rộng hơn 33ha, tôi nghe trong gió thoảng mùi hương thơm thanh khiết của sen. Đang mùa thu hoạch, hiên nhà nào nhà nấy đầy ắp gương sen. Tiếng cười nói râm ran, cả những câu chuyện ân tình thương nhớ mùa sen của các cụ nay tuổi đã xế chiều khiến lòng tôi lắng lại. Ở tuổi thất thập, bát thập nhưng hai vợ chồng cụ Phạm Văn Thị - Nguyễn Thị Tranh vẫn gắn bó thủy chung với 25 sào ruộng sen. Cụ Thị bồi hồi nhớ lại: “Ngày xưa ông bà mình thường rất thích trồng sen, nhưng chủ yếu trồng để chơi. Tôi nghĩ ra ý tưởng trồng sen bán kiếm thu nhập cũng là nhờ trận mất mùa lúa khiến cả nhà lao đao vì thiếu ăn. Từ đó, sen cưu mang cả gia đình tôi cho đến tận bây giờ”.
Ngót nghét 30 năm kể từ ngày nạo đất ruộng cấy móng sen, vợ chồng cụ Phạm Văn Thị - Nguyễn Thị Tranh tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng sen và truyền dạy lại cho người dân cùng làng, từ đó nghề cứ nối nghề, cánh đồng Trà Lý - Đồng Lớn ngày càng trải rộng ra mãi. Trong ba người con, cụ Thị chọn ông Phạm Văn Thanh truyền kinh nghiệm trồng sen. Ông Thanh chia sẻ: “Từ nhỏ, từng mặt giống, đài sen, ngó sen, hạt sen, củ sen như ngấm vào máu thịt của tôi. Bây giờ làm bên ngành điện lực, nhưng vợ chồng tôi cũng trồng sen theo lời dạy của cha mẹ để kiếm thêm thu nhập và giữ nghề”. Thiết nghĩ, đời người cũng như đời sen. Từ câu chuyện thất bát vụ lúa và cái nghèo đeo đẵng, người dân Chánh Lộc vẫn tìm cách vươn lên sống. Hệt như sen, từ lúc nảy mầm trong bùn đất, ở đáy nước cho tới lúc vươn lên khoảng trong sạch ở mặt nước rồi xòe lá, trổ hoa, ngoi lên bầu trời xanh mênh mông là cả một quá trình sinh trưởng kiên nhẫn lớn lao.
Du khách tham quan địa danh Trà Lý – Đồng Lớn và mua hạt sen tại nhà dân. Ảnh: Như Trang
2. Thôn Chánh Lộc có hơn 70 hộ dân trồng sen. Cứ độ tháng giêng, nước từ trong khe núi chảy ra ruộng, người người, nhà nhà lại bắt tay vào việc ủ móng sen, dọn ruộng cho đến khi chỉ còn bùn ròng rồi đợi thời tiết thuận lợi sẽ cấy móng. Muốn hoa sen to, cánh mọng và gương sen đậu hạt nhiều phải chọn giống cấy sao cho tốt, hơn nữa trong quá trình chăm sóc cần có kỹ thuật khéo léo trong cách nhổ cỏ, bắt sâu và bón phân định kỳ. Sau bao bận mày mò học cách trồng sen và nếm trải nhiều lần thất bại, nay vợ chồng ông Võ Văn Năm đã hiểu rõ “tính nết” của cây sen, trồng hơn 10 sào ruộng sen luôn cho năng suất cao. Sen mới gieo trồng tháng Giêng, đến tháng Tư đã bắt đầu thu hoạch, chu kỳ cách hai ngày lại thu một lần, kéo dài hết tháng Bảy thì sen lụi tàn. Nhờ ruộng sen, mỗi mùa ông Năm thu hoạch hơn 2 tấn hạt sen. Tính đến cuối mùa, ông kiếm được khoảng 60 triệu đồng.
Với người dân thôn Chánh Lộc, tháng Sáu hàng năm như trở thành mùa hội của sen. Lúc này là thời điểm gương sen nở rộ, trên đồng sen Trà Lý - Đồng Lớn rộn rã tiếng chân người lội hái những gương sen xanh um, hiển lộ những hạt sen tròn đều. Người khỏe thu hoạch dưới ruộng sen, còn trẻ con và các cụ già ngồi tại nhà gỡ gương lấy hạt. Ở tuổi 87 nhưng cụ Võ Công vẫn còn sức ngồi gỡ gương sen từ sáng sớm đến trưa. Đôi tay cứng cáp đầy những nếp nhăn cứ thoăn thoắt gỡ hết gương này đến gương khác. Thấy có khách tới nhà, cụ Công nghỉ tay ngừng gỡ sen rồi vô pha ấm trà ngon thơm ngát hương sen mời khách. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức trà ướp hương sen chính hiệu. Vừa mở trà từ những búp sen, cụ Công vừa kể: “Ngày còn khỏe, tôi lội bùn hái sen, bắt sâu trên lá, ủ phân cho móng sen khỏe… Làm quần quật có khi ở lại trưa trên núi. Giờ già rồi, phải để cho con cháu nó làm, còn mình ở nhà bóc gỡ hạt sen, ướp trà uống cũng vui lắm!”.
3. Dường như sen đã ăn sâu vào nếp nghĩ và đời sống văn hóa của bà con thôn Chánh Lộc. Thế hệ trước nối tiếp thế hệ sau, ngay cả em bé mới lên năm, lên sáu tuổi cũng đã rành các bộ phận của sen; cầm móng sen cũng biết tốt xấu, cấy sâu hay nông xuống hồ. Còn những em lớn hơn, tranh thủ dịp nghỉ hè rủ nhau xin gỡ gương sen với giá tiền công 1.000 đồng/kg hạt. Lớn lên từ những mùa sen, các em cũng như ông bà, cha mẹ của mình, vốn rất dày dạn kinh nghiệm. Hễ cầm gương sen lên là đoán hạt bên trong non hay già, sen bùi, ngọt hay lạt. Từng bộ phận của sen đều có ích lợi riêng, như lá sen phơi khô thái nhuyễn nấu cháo giúp trị cảm sốt, say nắng.
Hay củ sen giúp tuần hoàn máu, tăng cường chức năng tim mạch. Còn tim sen có tính hàn, dùng chữa chứng đầu choáng, thổ huyết, mất ngủ… Em Nguyễn Thị Thu Hà tròn 12 tuổi nói: “Những nhà trồng nhiều sen rất cần người gỡ hạt để kịp cân bán thương lái. Vì vậy, nghỉ hè, em gỡ hạt sen kiếm tiền mua sách vở học. Mỗi ngày em gỡ được 30kg hạt, nhận ngay 30.000 đồng tiền công”. Không chỉ riêng Hà, rất nhiều cô cậu học trò ở những vùng lân cận cũng tìm đến thôn Chánh Lộc xin gỡ gương sen. Công việc nhẹ nhàng vừa để giải khuây, vừa kiếm khoản tiền nhỏ mua sách vở học tập. Đặc biệt, từ đây, các em có cơ hội nghe các cụ già dạy cách trồng sen, hát những câu hát và nghe kể chuyện nghề gắn với đời sen.
Nhiều thương lái từ TP.Đà Nẵng, TP.Hội An, Vĩnh Điện gắn bó với người dân thôn Chánh Lộc bởi sự chịu khó và tính cần cù. Đến mùa, thương lái lại tập trung về cánh đồng sen mua hạt tươi với giá 30.000 - 45.000 đồng/kg tùy thời điểm của vụ mùa. Anh Lương Văn Nguyên ở Vĩnh Điện có 20 năm gắn bó với nghề mua bán hạt sen tươi và sấy khô. Đó cũng là ngần ấy thời gian anh Nguyên lấy mối sen từ Trà Lý - Đồng Lớn. Anh Nguyên cho biết: “Tôi đi rất nhiều nơi tìm hiểu về sen, nhưng chỉ có nơi này chất lượng sen tốt, vị ngọt. Hơn nữa, bà con nông dân nơi đây chân chất, cần cù thấy thương!”. Còn chị Nguyễn Thị Hương ở TP.Hội An kinh doanh bột ngũ cốc organic lặn lội thu mua hạt sen tại đây rồi lột, sấy, xay bán cho khách. Chị Hương chia sẻ thêm, trong quảng cáo thương hiệu bột ngũ cốc organic của mình, chị cũng không bao giờ quên nhắc đến ân tình người trồng sen. Ngày qua tháng lại, cánh đồng sen Trà Lý - Đồng Lớn cứ thế rộng thêm ra như tấc lòng của người làm nghề. Nhờ sen, đời sống kinh tế bà con thôn Chánh Lộc ngày càng phát triển, ai nấy có của ăn của để, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Vì thế, sen luôn là tri kỷ gắn bó với họ cả đời ở chốn quê yên bình...