Hàng chục hộ dân ở thôn Tân Đông Tây (xã Phú Thọ) vẫn giữ nghề làm khoai chà. Ảnh: D.T
2 giờ sáng, vợ chồng ông Trần Đình Phú (61 tuổi) ở thôn Tân Đông Tây thức dậy để chuẩn bị các công đoạn làm khoai chà. Đã hơn 40 năm nay, cứ đến tháng 3, tháng 4 âm lịch, vợ chồng ông lại tất bật với công việc này. Ông Phú cho biết, mỗi đêm, ông dậy sớm nấu từ hai đến ba nồi khoai lang để làm khoai chà theo cách thủ công truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để chế biến được khoai chà ngon, sạch và thơm, khoai tươi khi thu hoạch về, sẽ cắt hai đầu, vạt những chỗ sâu, hà rồi rửa thật sạch, quan trọng nhất là khi nấu khoai phải đổ vừa nước và giữ đều lửa để khoai không bị cháy hoặc nhão. Canh khoai vừa chín tới, nước vừa cạn thì nhắc xuống bếp. “Làm khoai chà rất dễ nhưng lệ thuộc vào thời tiết. Nếu làm ra gặp trời mưa thì khoai bị hư, hoặc kém chất lượng không bán được. Mỗi mùa, tôi làm được khoảng 700kg khoai chà khô, bán giá là 30 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 20 triệu đồng” - ông Phú nói.
Theo ông Nguyễn Đức Học - Trưởng thôn Tân Đông Tây, người dân nơi đây chỉ làm giống khoai Trùi Sa duy nhất vì nó rất thích hợp để làm khoai chà. Giống khoai này dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, năng suất cao, làm khoai chà có chất lượng tốt, đem lại thu nhập đáng kể. Vì thế, người dân trong thôn ngày càng mở rộng diện tích khoai Trùi Sa. Theo ước tính, mỗi sào khoai sau khi chế biến thành khoai chà cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng. “Thôn Tân Đông Tây có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 250ha, trong đó diện tích đất trồng khoai lang chiếm 50ha. Hiện cả thôn có 70 hộ dân làm nghề khoai chà. Trong những năm gần đây, khoai chà được bán với giá cao, nhờ đó, đời sống bà con ổn định hơn” - ông Học cho biết thêm.
Khoai lang ở đây được trồng một vụ chính và thu hoạch vào tháng 4 dương dịch. Tiết trời mùa này rất phù hợp cho việc phơi khoai, nếu trời nắng đẹp, khoai chà phơi khoảng 2 ngày là khô. Khoai chà khi khô được sàng, phân làm 2 loại, loại hạt lớn và hạt nhỏ. Hạt nhỏ còn gọi là hạt dưới sàng người dân dùng để bán, còn hạt lớn là hạt trên sàng họ để lại làm thức ăn cho gia cầm, gia súc chứ không bán vì loại này lẫn nhiều vỏ khoai nên ít thơm, ngọt... Khoai chà được nhiều người ưa chuộng vì tốt cho sức khỏe, không có chất bảo quản nên sản phẩm bán rất chạy, được thương lái tìm đến tận nơi để mua. Chị Trần Thị Loan, tiểu thương tại chợ Đàng (Quế Sơn) cho hay: “Mỗi năm tôi mua hơn 1 tấn khoai chà ở thôn Tân Đông Tây để bán lẻ và bỏ lại cho các mối lái khác. Sản phẩm khoai chà được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ ở Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn... trong đó, món khoai chà ngào đường luôn được người dân ưa thích nên bán rất chạy”.
Bà Đinh Thị Phúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ (Quế Sơn) cho biết: “Để nâng cao hiệu quả kinh tế của làng nghề khoai chà, Hội Nông dân xã đã xây dựng mô hình điểm về trồng khoai lang Trùi Sa và hỗ trợ giống, phân bón để nông dân phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình. Đồng thời đề xuất Hội Nông dân huyện thành lập Chi hội nghề nghiệp với 48 hội viên nông dân trong thôn tham gia. Thời gian tới, hội sẽ phối hợp làm các thủ tục, hồ sơ để đăng ký thương hiệu sản phẩm khoai chà cho bà con nông dân thôn Tân Đông Tây”. Bây giờ đời sống người dân không còn khó khăn như xưa và khoai chà trở thành đặc sản, là món ăn chơi được nhiều người ưa thích. Người dân thôn Tân Đông Tây hiểu rõ điều đó và họ giữ nghề để góp chút hương quê lan tỏa khắp nơi...