|
Anh Dương Ngọc Ảnh thuyết trình về dự án “Cassava Noddle” với các chuyên gia nước ngoài và “Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng”. |
Lam lũ với phở sắn
Sau khi đất nước thống nhất, nghề làm phở sắn ở Đông Phú, Quế Sơn tưởng như đã không còn giữ được. Thời điểm này, cụ ông Dương Đức Mân (ông nội của anh Ảnh) sau khi đi bộ đội trở về đã cặm cụi với từng chiếc vỉ tre hay loay hoay đánh bột bằng tay để sản xuất phở sắn trở lại. Có thể nói, cụ Mân là người “đặt viên gạch” đầu tiên để phục hưng nghề làm phở sắn. Vài ba năm sau, vì nhiều lý do gia đình ông cũng phải tạm dừng nghề. Mãi đến năm 1996, ông Dương Ngọc Xinh (cha của anh Ảnh) mới quay trở lại với phở sắn nhưng cũng chỉ sản xuất thủ công rất nhiêu khê. Ngày đó, gần chục năm trời đằng đẵng, cậu bé Ảnh lọ mọ dậy từ 4 giờ sáng phụ cha sản xuất bánh phở rồi mới cắp sách đến trường.
Rời giảng đường đại học, đến nay cũng gần 10 năm liền anh Ảnh gắn bó với nghề công nghệ thông tin nhưng càng lúc, chàng trai này lại cảm thấy khắc khoải một điều gì đó và cho rằng rất lãng phí nếu không khơi dậy hết được tiềm năng của đặc sản phở sắn quê nhà. Vài năm gần đây, người làm phở sắn trong làng đã được hỗ trợ máy móc sản xuất nhưng hiệu quả kinh tế thì vẫn khá èo uột. Nghe đâu, số lượng hộ gia đình làm phở sắn vốn đã ít ỏi lại giảm thêm so với 5 năm trước bởi lợi nhuận không cao. Ban đầu, vợ chồng anh Ảnh chỉ dự định sẽ làm du lịch làng nghề trước để quảng bá phở sắn với du khách quốc tế, cho đến khi ông Trần Vũ Nguyên – Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng biết được và khuyên nên chuyển hẳn sang dự án sản xuất đóng gói phở sắn bởi nhận thấy tiềm năng to lớn từ ý tưởng này.
Khát khao nâng tầm
Gia nhập khóa 5 của “Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng”, dự án sản xuất đóng gói phở sắn của anh Ảnh mang tên “Cassava Noddle” thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng và đánh giá cao của các chuyên gia. Được biết, bản thân anh Ảnh đã có nhiều nghiên cứu cải tiến để phát triển dự án. Đó là cải tiến quy trình sản xuất, thay vì chỉ sản xuất phở từ sắn khô như trước đây thì bây giờ có thể sản xuất được từ sắn tươi. Điều này có thể giúp dự án chủ động hơn trong nguồn nguyên liệu, cho ra thành phẩm đẹp hơn… Thêm nữa, nếu trước đây sản phẩm phở sắn chỉ thuần sắn nguyên chất thì bước đầu anh Ảnh đã chế tạo được 2 loại sản phẩm phở sắn kết hợp nghệ và gấc. “Dự kiến đến cuối tháng 5 này, đơn vị sẽ hoàn thiện nhà xưởng với công suất khoảng 280kg/ngày, sản phẩm được đóng gói có tên Caromi để tiêu thụ trên thị trường” - anh Ảnh cho biết.
Sau khi xét nghiệm sản phẩm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 Đà Nẵng, kết quả cho thấy sản phẩm phở sắn có nhiều chất rất tốt cho sức khỏe, không tạo mỡ, tăng cân lại không có chất “glutan free”. Tuy vậy, thời gian tới đơn vị vẫn mong muốn có được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để sớm có các chứng nhận đủ chuẩn tiêu thụ trên thị trường và xuất khẩu. Hiện tại, sản lượng phở sắn của các hộ dân làm nghề ở thị trấn Đông Phú khoảng từ 1 đến 1,5 tấn/ngày và đây được xem là nguồn cung cấp chính cho xưởng sản xuất của anh Ảnh một khi đi vào hoạt động. Nhiều năm nay, dù được tiêu thụ có lúc “cháy hàng”, nhưng do giá thành rất rẻ, chỉ khoảng 25 nghìn đồng/kg nên người làm phở sắn Đông Phú vẫn rất long đong. Bản thân anh Ảnh và dự án “Cassava Noddle” muốn hỗ trợ thêm vốn, thiết bị cho các hộ dân này trong một tương lai gần và bao tiêu đầu ra, sản xuất phở sắn ăn liền một cách quy củ để người dân có thể sống khỏe bằng nghề này.
Qua “bật mí” của người sáng lập dự án, hiện tại có một vài đối tác ở nước ngoài đã đặt vấn đề và sẵn sàng tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm phở sắn đóng gói mang tên “Caromi” một khi sản phẩm này tung ra thị trường. Tuy nhiên, bản thân dự án “Cassava Noddle” hiện tại vẫn còn vướng không ít khó khăn. Đó là vấn đề nguyên liệu sạch, chưa có máy bóc vỏ lụa, thời tiết, vụ mùa thất thường ở khu vực miền Trung… Cũng từ những khó khăn này mà sắp tới dự án “Cassava Noddle” dự định sẽ mở xưởng sấy lạnh để đảm bảo đủ nguyên liệu trong mùa mưa nếu thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, hiện tại anh Ảnh cũng đã liên hệ với dự án “Làng bích họa trong lòng Đà Nẵng” để mở gian hàng quảng bá sản phẩm phở sắn đóng gói đến du khách trong và ngoài nước. “Mong muốn lớn nhất của dự án là thương hiệu phở sắn quê nhà lan tỏa rộng hơn nữa, qua đó giúp những người nông dân lam lũ ở quê nhà có thêm thu nhập từ phở sắn để họ vững tâm hơn với nghề truyền thống của cha ông” - anh Ảnh thổ lộ.