|
Người dân Thăng Bình đang tích cực làm đất để làm vụ xuân hè. Ảnh: HỒ QUÂN |
Những ngày này, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, nông dân ở xã Bình Sa đang bắt đầu làm đất, chuẩn bị trồng vụ xuân hè 2018. Ông Châu Văn Khuyến (65 tuổi, thôn Châu Khê) chia sẻ: “Trước đây gặt lúa đông xuân xong, ruộng đất khô cằn do thiếu nước nên không làm lúa được vụ tiếp theo khiến cỏ mọc um tùm. Mấy năm gần đây, chính quyền xã phát động luân canh cây đậu phụng và các loại hoa màu trong vụ xuân hè và hè thu giúp nông dân chúng tôi tăng thêm nguồn thu nhập”.
Trên địa bàn xã Bình Sa hiện có 370ha đất đang được chính quyền địa phương định hướng luân canh cây trồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Chữ - cán bộ Ban Nông nghiệp xã Bình Sa tính toán: “Trung bình 1 sào đất tại địa phương chỉ chuyên canh cây lúa thì thu hoạch khoảng 280kg lúa trở lại, bán ra khoảng 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu gặt xong vụ đông xuân tiến hành trồng các loại cây như đậu phụng có thể thu hoạch được hơn 1 tạ đậu/sào, trồng dưa hấu thu hoạch khoảng 2 tấn/sào. Giá tiền bán ra những loại nông sản này cao gấp 2, gấp 3 lần so với lúa. Bên cạnh đó, việc luân canh cây trồng còn góp phần cải tạo đất và nâng cao chất lượng cho cây lúa vụ kế tiếp”.
Không riêng Bình Sa, phương pháp luân canh trồng này đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương khác ở Thăng Bình. Trong đó, hiệu quả nhất là ở các xã Bình Đào, Bình Nam, Bình Quý, Bình Trị và Bình Định Nam. Theo ông Lê Văn Để - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, hiện các địa phương đã xây dựng kế hoạch để định hướng người dân sản xuất, đặc biệt là luân canh các cây trồng khác nhau phù hợp với từng vùng.
Cụ thể, đối với các xã vùng đông, đông nam, bên cạnh vụ lúa chính đông xuân đã tiến hành luân canh hiệu quả các loại đậu phụng, bắp, dưa hấu (xuân hè), đậu xanh, dưa gang (hè thu). Còn đối với các xã vùng tây thường xuyên thiếu nước sản xuất đã luân canh thành công các loại dưa hấu, bắp, mè, sắn. Tính từ năm 2016 đến nay, trung bình 1ha đất, nếu áp dụng phương pháp luân canh thì có thể giúp nông dân có thu nhập 120 - 150 triệu đồng. Ngoài ra, giúp đồng ruộng tránh các loại cỏ dại lan rộng, diệt trừ triệt để các loại sâu bệnh gây hại.