|
Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được chú trọng tại TP.Hội An. Ảnh: XUÂN THỌ |
Điểm tựa Thanh Đông
Năm 2013, được sự giúp đỡ của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD), PGS Việt Nam, UBND xã Cẩm Thanh đã xây dựng và triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông rộng 638m2 với 10 nông hộ tham gia. Đây là một trong những dự án phát triển sản xuất trong đề án phát triển sản xuất của xã Cẩm Thanh do UBND xã này làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp nông thôn mới và kinh phí tài trợ. Đầu năm 2014, nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông được thành lập và bắt đầu sản xuất từ tháng 4 với gần 20 chủng loại rau khác nhau. Một ban điều phối PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ, khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người dân và người tiêu dùng vào quá trình cấp chứng nhận sản phẩm rau hữu cơ) lâm thời Hội An được thành lập. Đây có thể là nói là tiền đề quan trọng cả về nhận thức, năng lực sản xuất và quản lý để phát triển mạng lưới nông nghiệp hữu cơ (NNHC) trên địa bàn thành phố sau này.
Đến cuối năm 2015, trên cơ sở những kết quả khả quan từ nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông, UBND TP.Hội An đã xây dựng phương án phát triển NNHC TP.Hội An giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế đối với người sản xuất và duy trì độ màu mỡ của đất. Phương án này cũng được đặt trong bối cảnh Hội An đang hướng đến xây dựng thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch với tiêu chí môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Ông Phạm Mèo - trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông cho biết, nhờ xây dựng được thương hiệu, ổn định đầu ra nên từ năm 2017, vườn rau này đã thêm 4.000m2 vào diện tích sản xuất. “Điều quan trọng là khi làm rau hữu cơ, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều được an toàn. Môi trường sống xung quanh không bị ảnh hưởng vì không sử dụng hóa chất, giúp hạn chế được phần nào chống biến đổi khí hậu” - ông Mèo nói.
Mở rộng sản xuất
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, vào thời điểm vườn rau Thanh Đông triển khai sản xuất rau hữu cơ thì An Mỹ (phường Cẩm Châu) cũng được chọn cùng làm điểm. Tuy nhiên, từ 10 người đăng ký, sau một thời gian ngắn chỉ còn một người theo đuổi rau hữu cơ ở An Mỹ. “Nguyên nhân là lúc bấy giờ họ chưa thấy được lợi ích của rau hữu cơ, trong khi chính quyền địa phương không đủ nguồn lực để hỗ trợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhóm hộ bỏ cuộc ấy đã ngỏ ý muốn được làm rau hữu cơ trở lại khi thấy thành công của người duy nhất làm rau hữu cơ ở An Mỹ và mô hình vườn rau Thanh Đông đem lại lợi ích thiết thực. Hiện chính quyền địa phương rà soát lại các công việc liên quan để hỗ trợ họ sản xuất rau hữu cơ” - ông Hùng cho hay.
Được triển khai từ năm 2016, đến nay mô hình trồng rau hữu cơ ở xã Cẩm Kim cũng đang bắt đầu thu được kết quả khả quan. Thời điểm ấy, có 23 hộ đăng ký nhưng sau khảo sát, có 2 khu đất với tổng diện tích 9.000m2 của 9 hộ hội đủ điều kiện để đưa vào sản xuất. Bà Phạm Thị Ngọc Ánh - cán bộ phụ trách môi trường xã Cẩm Kim, người nhận trách nhiệm giúp nông dân phân phối sản phẩm rau hữu cơ cho biết vì đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nông nghiệp hóa học sang hữu cơ nên sản phẩm chưa nhiều về số lượng cũng như phong phú về chủng loại. Cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi, năng suất và chất lượng rau chưa cao. “Mặc dù vậy, trong quá trình phân phối rau cho bà con, thấy rất ổn vì có không ít gia đình thấy được lợi ích của rau hữu cơ nên thường xuyên chọn làm thức ăn cho gia đình” - bà Ánh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Dũng - nhóm trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ Kim Hà (thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim) cho biết, nhóm này có 5 hộ trồng các loại đậu phụng, bắp… trong giai đoạn chuyển đổi. Sau những khóa đào tạo về rau hữu cơ, các thành viên đều chấp nhận những khó khăn ban đầu để hướng đến mục tiêu là lợi ích dài lâu. Còn ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, nếu phát triển tốt NNHC, Cẩm Kim sẽ hạn chế được phần nào tác động của biến đổi khí hậu bởi Cẩm Kim là một trong những nơi dễ bị tác động của biến đổi khí hậu ở Hội An, nhất là trong những mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, Cẩm Kim cũng đang bắt đầu đưa mô hình NNHC vào trường học nhằm tăng cường tính thực tế, sinh động nhất để giáo dục học sinh về lợi ích của NNHC đối với sức khỏe con người cũng như giảm thiểu tác động bởi biến đổi khí hậu.