hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Về xã nông thôn mới Đại Nghĩa (14/03/2018)
Đầu xuân, về xã nông thôn mới (NTM) Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, nghe đất chuyển mình. Diện mạo làng quê khởi sắc từng ngày. Trong nắng mới, nhiều khu dân cư được “xanh hóa”, nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp…
 Khang trang đường làng ngõ xóm ở xã Đại Nghĩa. Ảnh: TR.NHAN
Khang trang đường làng ngõ xóm ở xã Đại Nghĩa. Ảnh: TR.NHAN

Bước vào công cuộc xây dựng NTM, xã Đại Nghĩa có xuất phát điểm rất thấp, khi năm 2011 còn đến 15 tiêu chí cần phải phấn đấu thực hiện, trong đó các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, giao thông, thủy lợi, trường học, nhà ở, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, môi trường… đòi hỏi nguồn lực lớn. Qua 6 năm triển khai, với những nỗ lực không ngừng và đồng bộ các giải pháp, Đại Nghĩa đã tạo nên những bứt phá trên các lĩnh vực, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Dấu ấn nổi bật

Đạt chuẩn NTM là sự khởi đầu tốt đẹp, mở ra chặng đường mới trong quá trình phát triển của địa phương. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn. Bởi việc đạt các tiêu chí đã khó nhưng giữ vững, nâng chất các tiêu chí càng khó hơn, đòi hỏi phải có hướng đi, cách làm đúng. Các tiêu chí “mềm” như môi trường, thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự được xem là khó, bởi thực sự ranh giới giữa đạt và không đạt rất mong manh, không bền vững. Những tiêu chí đầu tư tốn nhiều tiền của, công sức nhưng để giữ vững phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, cần tăng cường hơn nữa nhận thức trong nhân dân. Đảng bộ và nhân dân xã Đại Nghĩa sẽ quyết tâm phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tập trung nguồn lực, đoàn kết một lòng để hoàn thiện xã NTM”. (Ông Trần Công Tỉnh - Bí thư Đảng ủy xã Đại Nghĩa)

Ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho hay, ngoài vùng chuyên canh cây màu, Đại Nghĩa còn có các cánh đồng sản xuất lúa lai F1 trên tổng diện tích hơn 150ha và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với mô hình IPM kết hợp “3 giảm, 3 tăng”, mô hình SRI (sản xuất lúa cải tiến) cho năng suất cao, cải thiện thu nhập. Ngành nông nghiệp cũng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất lúa kém hiệu quả, nhờ đó trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt giá trị 150 - 200 triệu đồng/ha. Một số ngành nghề theo quy hoạch xã NTM được hỗ trợ khôi phục như: hàn, mộc, nề, bánh tráng; thu hút các ngành nghề du nhập mới như: may công nghiệp, gia công chế biến cá xuất khẩu, gia công lưới, gia công giày da… giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Địa phương tích cực đẩy mạnh chính sách giao đất giao rừng, cấp sổ đỏ đất rừng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng với tổng diện tích rừng 1.400ha… Nhờ đó, đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người xã Đại Nghĩa đạt hơn 31,89 triệu đồng (năm 2010 chỉ hơn 16,7 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,9% năm 2010 còn 2,37% vào năm 2017…

Cũng theo ông Nhớ, việc giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã với nhiều cách làm thiết thực. Trong đó, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, tổ chức vận động hộ nghèo mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Để giúp người nghèo, các hội - đoàn thể được giao nhiệm vụ vận động hỗ trợ phương tiện sản xuất, giống cây trồng, con vật nuôi, giúp xây dựng chuồng trại, tặng sổ tiết kiệm… Với sự sát sao đó, tự thân người nghèo đã có động lực vươn lên. Mặt khác, các tổ chức, hội - đoàn thể của xã còn nhận phụng dưỡng, chăm sóc trẻ em, người già neo đơn tại cộng đồng. Một trong những dấu ấn nổi bật trong phong trào xây dựng NTM ở Đại Nghĩa là sự hưởng ứng tích cực, đồng lòng chung sức rất lớn của nhân dân, sự đồng hành của các mạnh thường quân thông qua việc hỗ trợ hàng tỷ đồng xây dựng thiết chế văn hóa, tường rào, cổng ngõ ở một số khu dân cư, góp sức vào thắng lợi phong trào…

Đình làng Đức Hòa được xây dựng từ sức dân. Ảnh: TR.NHAN
Đình làng Đức Hòa được xây dựng từ sức dân. Ảnh: TR.NHAN

Những khu dân cư mới

Phấn đấu vào năm 2020 có 100% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu

Ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết, xã quyết tâm nhân rộng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu ra 12 thôn còn lại sau công nhận và phấn đấu đưa tất cả đạt chuẩn vào năm 2020. Theo đó, bên cạnh nguồn lực đầu tư, công tác chỉ đạo sát sao, yếu tố quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn dân. Phải vận động quần chúng tích cực sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng chất lượng đời sống. Vận động nhân dân hưởng ứng, góp sức vào việc gìn giữ thành quả đạt được và nâng chất lượng các tiêu chí; giúp người dân hiểu rõ mục đích xây dựng NTM, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu thực chất là giúp đời sống người dân có môi trường sống và an sinh xã hội được cải thiện hơn...

Thời điểm này, thôn Hòa Mỹ - được chọn thí điểm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu - đã hoàn thiện 10/10 tiêu chí. Nhiều tuyến đường NTM ở Hòa Mỹ được trồng cau, sao đen, bằng lăng hai bên để tô điểm tạo cảnh quan đã kịp vươn mình. Những vạt hoa thay thế cỏ dại đã kịp tô đẹp đường quê. Ban đêm, các xóm làng, ngõ hẻm, điện đường đã thắp sáng, đem lại sự bình yên cho làng quê. Ở nhiều khu dân cư, người dân chú trọng cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, trồng hoa, cây cảnh tạo màu xanh cho môi trường sống. Nhiều ngôi nhà, cổng ngõ khang trang được cải tạo “xanh hóa”, tạo sự thân thiện và gần gũi với thiên nhiên. Thôn Hòa Mỹ có hơn 300 hộ dân, phần lớn người dân đã tạo dựng được nhà cửa khang trang; tường rào, cổng ngõ xây dựng kiên cố, hài hòa. Thôn Hòa Mỹ hiện còn 5 hộ nghèo (thuộc đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 36,8 triệu đồng…

Một “điểm sáng” khác của Đại Nghĩa trên hành trình phát triển là thôn Đức Hòa, vốn giàu tiềm năng và thế mạnh trong phát triển kinh tế so với mặt bằng chung của xã. Ông Phan Bá Ngọc - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đức Hòa cho biết, toàn thôn có 254 hộ, 889 nhân khẩu, trong đó có gần 500 người trong độ tuổi lao động. Nhờ kết hợp phát triển các loại hình kinh tế như làm dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh - thương mại, trồng nấm, trồng rừng, sản xuất lúa giống, chăn nuôi gia súc gia cầm… nên người dân Đức Hòa có điều kiện vươn lên cải thiện cuộc sống, ổn định kinh tế. Đức Hòa cũng là thôn sở hữu đất rừng nhiều nhất huyện với hơn 500ha. Cùng với trồng rừng, người dân trong thôn còn được giải quyết ngày công lao động nhàn rỗi khi tham gia các khâu trồng mới rừng, chăm sóc, phát dọn, khai thác rừng với ngày công lao động 250 - 300 nghìn đồng. Toàn thôn còn 3 hộ nghèo, địa phương đặt mục tiêu hết năm 2018 chỉ còn 1 hộ nghèo; phấn đấu đưa bình quân thu nhập đầu người lên mức 37 triệu đồng (năm 2017 đạt 34 triệu đồng). Từ chỗ là vùng đất nghèo khó, Đức Hòa đã bứt phá đi lên, xây dựng đời sống mới. Đường bê tông giao thông nông thôn đã rộng mở, nhà cửa mọc lên khang trang, người dân chung sức chung lòng trùng tu, tôn tạo nhiều thiết chế văn hóa. “Công cuộc xây dựng NTM đã lan tỏa tới các khu dân cư, tổ đoàn kết. Người dân rất phấn khởi, hưởng ứng phong trào rất tốt, các phong trào văn hóa văn nghệ được phát huy mạnh. Song quan trọng hơn, đi cùng với NTM là đời sống mới, con người mới trên nền tảng nền kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần được phát huy, an ninh trật tự xã hội được giữ vững” - ông Phan Bá Ngọc tâm sự.

Theo baoquangnam.vn

Lượt xem:  1,210 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com