Vào những ngày này đầu mùa nước nổi, mưa nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi để nhái sinh trưởng,… xóm làm khô ở hai ấp Vĩnh Lập và Vĩnh Hạ (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên- An Giang) cũng vì thế trở nên nhộn nhịp hẳn.
Vào mùa này, cơ sơ của cô Hai Liền có thể sản xuất được khoảng 100kg khô nhái mỗi ngày.
Rộn rã vào mùa
Con đường nhựa thẳng tấp, hai bên đường là một màu vàng rực, trong óng của những vỉ khô nhái. Những người phụ nữ nhanh tay trở khô, tiếng nói cười rộn rã.
Tấp vào bên đường, cô Hai Liền- Chủ Cơ sở sản xuất khô nhái Hai Liền ở ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung nở nụ cười chân phương bảo: “Mùa này nhái nhiều dữ lắm, xóm nghề cũng nhờ vậy mà xôm tụ hơn”.
Vừa thăm mẻ khô phơi từ sáng, cô Hai Liền xếp gọn mang vào nhà để đóng gói, cô bảo: “Khô đặng nắng mới ngon, giao cho mối nên phải uy tín mới làm ăn lâu dài được”.
Cũng theo cô Hai Liền, sở dĩ khô nhái nơi đây được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi nhái nguyên liệu đều là nhái cơm loại nhỏ nên thịt rất dai, ngon xương, lại mềm, thêm vào đó là công thức tẩm ướp rất vừa miệng.
Và quan trọng hơn hết là được phơi khô bằng nắng chứ không phải sấy khô kiểu công nghiệp: “Phơi nắng mới thơm ngon, bởi vậy hôm nào mà trời mưa thì cho vào tủ lạnh đợi nắng lên rồi phơi”.
Danh tiếng khô nhái Bảy Núi nhanh chóng có một chỗ đứng riêng trong lòng giới sành ăn. Điều đó cũng tạo cho bà con nơi đây thu nhập khá ổn định. Dần dà số lượng người mở cơ sở làm khô nhái một nhiều hơn rồi trở thành xóm nghề như ngày nay.
Hiện giá khô nhái dao động từ 260.000- 300.000 đ/kg, riêng thời điểm cận tết giá từ 400.000đ- 450.000 đ/kg. Ngoài cung cấp cho khách hàng trong tỉnh, sản phẩm khô nhái còn tiêu thụ ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước.
Khô nhái ngon nhất là chiên, người ăn có thể nhai cả xương lẫn thịt mới cảm nhận được hết sự thơm giòn, vừa cay cay, mằn mặn, rất đặc trưng.
Chế biến kỳ công
'
Cứ 4kg nhái nguyên liệu mới làm ra được 1kg khô và khâu chế biến cũng rất kỳ công đó là lý do vì sao khô nhái có mức giá khá cao như hiện nay.
Khi trời nhá nhem tối, bản hợp ca của những chú nhái vang vọng cả vùng Bảy Núi, cũng là thời điểm những tay săn nhái chuyên nghiệp hoạt động. Dụng cụ của những thợ săn nhái chỉ gồm một bóng đèn bình gắn nơi trán để ánh sáng luôn chiếu về phía trước, một cây vợt và giỏ đựng nhái.
“Ăn cơm chiều xong, là tụi tui xách đồ nghề ra đồng soi từ tối cho đến 9-10g đêm mới về. Mỗi đêm cũng kiếm được gần 200.000đ. Mưa nên nhái nhiều lắm”- anh Văn An- ngụ ấp Vĩnh Lập, cho hay.
Nhái bắt về được bán cho các cơ sở làm khô với giá 35.000- 40.000 đ/kg. Sau đó, nhái sẽ được lột da, rửa sạch rồi tẩm ướp gia vị gồm: muối, tiêu, ớt,… xếp lên vỉ phơi khoảng 8 tiếng.
Theo chủ các cơ sở sản xuất, trong các khâu làm khô nhái, khâu vất vả nhất là soi nhái, làm nhái và rửa nhái. Vì nhái rất trơn nên để lột được da chúng một cách dễ dàng, nhanh chóng người làm ngoài việc dùng đến dao, kéo... phải chấm tay vào chén cát, nên khâu rửa cũng phải cẩn trọng từng chút một. Cứ 1kg khô nhái cần có 4kg nhái nguyên liệu.
Khô nhái xuất hiện không chỉ ở các quán xá bình dân mà còn có mặt ở các nhà hàng sang trọng của những thành phố lớn trong cả nước.
Vào mùa nhái nhiều, các cơ sở cũng tăng gia sản xuất, nhờ vậy mà nhiều lao động nông nhàn có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Thanh niên, đàn ông thì đi soi nhái, phụ nữ thì chế biến. Công việc có vất vả nhưng do nghề sản xuất khô “vũ nữ chân dài” cho thu nhập khá nên làng nghề lúc nào cũng đông vui.
“Vô vụ nhái là có việc mần suốt. Khô nhiều thì gần 200.000 đ/ngày, khô ít thì cũng gần 100.000 đ/ngày”- chị Nguyễn Thị Phượng- ngụ ấp Vĩnh Hạ, vui vẻ cho biết.
Đang xếp khô để đóng gói, bà Nguyễn Thị Binh- ngụ ấp Vĩnh Hạ, tiếp lời: “Tui giờ cũng lớn tuổi rồi nhưng qua đây xấp khô cũng được vài chục ngàn một ngày, vả lại có người nói chuyện cũng vui”.
Loại khô này chỉ mới xuất hiện những năm gần đây nhưng đã là đặc sản trứ danh mang thương hiệu vùng Bảy Núi. Giờ đây, khô nhái không chỉ là món ăn chơi ngày thường mà còn xuất hiện với giá không hề rẻ trong các nhà hàng, quán xá ở những tỉnh, thành phố, trong đó có cả TP Hồ Chí Minh.
Ai một lần thưởng thức thứ đặc sản này, thì có thể khó mà quên được dư âm của nó. Và cũng từ sự yêu quý của thực khách, xóm nghề “vũ nữ” vẫn luôn nhộn nhịp, rộn ràng.