Dự án “Xây dựng năng lực và hỗ trợ thí điểm hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng trong phát triển nông thôn” do Tổ chức UNESCO tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng; được thực hiện từ tháng 3-12/2016 tại 12 thôn thuộc 3 huyện, thị xã Điện Bàn, Tây Giang, Phú Ninh. Dự án nhằm nâng cao năng lực của cán bộ cấp huyện, xã và thôn trong việc lập kế hoạch và triển khai hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng ở cấp cơ sở; hỗ trợ các địa phương tham gia tập huấn, khảo sát cộng đồng, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và triển khai thực hiện các mô hình hoạt động văn hóa ở cơ sở. Tổng số người tham gia, hưởng lợi từ Dự án là 1.447 người; trong đó, có 146 người là đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2016, hai bên đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn cho 75 học viên và 1 lớp hội thảo do các giảng viên và báo cáo viên của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Trường Cán bộ Dân tộc trực tiếp trao đổi, chia sẻ các nội dung liên quan, thiết thực giúp cho cán bộ các cấp biết và triển khai có hiệu quả các hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Cùng với đó, dự án cũng đã triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa tại các thôn, với 4 nhóm mô hình, như sau: Nhóm mô hình “Sân chơi trẻ em” thực hiện tại 5 thôn: Uất Lũy, Kỳ Phú, Aró, Trung Phú 2 và thôn 4 Châu Bí; Nhóm mô hình “Dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống” thực hiện tại 3 thôn: Arớt, Anoonh và Pơrning; Nhóm mô hình “Tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp” thực hiện tại 2 thôn: Xuân Diệm và Khánh Thọ; Nhóm mô hình “Tủ sách cộng đồng và cafe sách” thực hiện tại 2 thôn: Khánh Thịnh và Cẩm Khê. Nhìn chung, các nhóm mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, được người dân hưởng ứng. Từ các nhóm mô hình này góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân; tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em vùng nông thôn, miền núi; đồng thời giúp ích cho những người nông dân trên địa bàn dân cư có điều kiện tiếp cận với các thông tin về mô hình phát triển sản xuất, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng cho sản xuất, tạo ra nhiều nông sản đa dạng thích ứng với điều kiện của địa phương, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Các đại biểu tham quan mô hình "Sân chơi trẻ em" tại thôn Uất Lũy, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tham gia thảo luận, nêu và giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện, rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Đồng thời cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp để duy trì, nhân rộng các mô hình tại các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, bà Susan Vize- Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của các địa phương trong vùng dự án. Bà hy vọng, các mô hình này tiếp tục được duy trì và nhân rộng hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hứa sẽ tạo mọi điều kiện cũng như đồng hành cùng Quảng Nam trong việc tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai hiệu quả Dự án “Xây dựng năng lực và hỗ trợ thí điểm hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng trong phát triển nông thôn”.