Thôn 2 xã Trà Nam có 141 hộ gia đình là người dân tộc Xê Đăng, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy nên nghèo đói còn khá nhiều. Hơn nữa, trước đây do sự cách trở về giao thông nên thu nhập của người dân hầu như không đáng kể. Nông – lâm – thổ sản bà con làm ra chủ yếu mang tính tự cung tự cấp tại chỗ. Thương mại – dịch vụ chưa hình thành. Cho nên, hằng năm tỉ lệ hộ nghèo vẫn luôn ở mức cao.
Người dân xã Trà Nam tham gia giao thông trên tuyến đường vừa được đầu tư xây dựng
Nhận thấy sự gian khó đó, năm 2015 Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (DA GNTN) đã ưu tiên nguồn kinh phí 855 triệu đồng để mở tuyến đường bê tông về thôn 2 trong niềm vui hân hoan của đồng bào nơi đây.
Trước đây, muốn đi từ trung tâm xã Trà Nam về thôn, bà con chủ yếu trèo đèo, vượt dốc cao dựng đứng mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Nhưng nay với cung đường bê tông phẳng lỳ, dài 300 mét, rộng 3 mét thì chỉ mất khoảng 20 phút là tới nơi. Từ ngày có đường mới, cuộc sống đại bộ phận bà con nhân dân trong thôn đã đổi thay đáng kể. Các mặt hàng do bà con làm ra đã được mang đi buôn bán, trao đổi để tăng thu nhập. Hiện nay chính quyền huyện Nam Trà My đang quy hoạch khu vực này để trồng cây Sâm Ngọc Linh quý hiếm và cây Sâm Nam nên khi có đường, dự án đã sớm triển khai thu hút hàng chục hộ gia đình tham gia. Đặc biệt, nhiều gia đình người Xê Đăng trong thôn còn sắm xe máy để chở hàng ra xã, ra huyện, bán lấy tiền. Các thương lái từ vùng đồng bằng cũng lên tận làng, bản để thu mua nông sản, đặc biệt là cây chuối mốc của bà con. Có mặt tại đây, chúng tôi thấy hàng chục chuyến xe máy ngược xuôi những gùi hàng nặng trĩu mỗi ngày mới, hình dung được giá trị của tuyến đường đem lại cho cuộc sống người dân. Ông Hồ Văn Quỳnh ở thôn 2 xã Trà Nam trên đường chở chuối ra trung tâm xã bán đã bày tỏ sự phấn khởi từ ngày có đường mở về làng: “Hồi trước vay tiền mua con heo, con bò dắt từ xã về đây nuôi lớn rồi nhưng chẳng biết bán cho ai vì không có đường đi, cuộc sống rất khổ. Nhưng từ ngày đường bê tông mở về làng bà con chúng tôi rất mừng. Cái gì nuôi, trồng ra cũng có thể chở đi bán để lấy tiền được. Ước mơ ngàn đời nay của bà con giờ đã thành hiện thực”.
Không riêng gì ông Quỳnh vui mừng khi thôn có đường mới mà hầu hết 141 hộ gia đình nơi đây cũng đều rất phấn khởi, bắt tay vào việc phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững. Bà con đã mạnh dạn đứng ra đăng ký với chính quyền địa phương để thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Thành Phương – chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết, từ khi con đường bê tông của Dự án GNTN mở về thôn 2 cuộc sống của bà con đã có sự thay da đổi thịt. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế, trang trại, gia trại kết hợp với áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên thu nhập tăng cao rất nhiều so với trước đây. Năm 2016 này, toàn thôn 2 đã có 50 hộ gia đình thoát nghèo bền vững. “Mở được con đường cũng như chính mở được lối đi thoát nghèo hiệu quả cho Trà Nam chúng tôi. Không những bà con đi lại thuận tiện mà con em Xê Đăng đến trường, đến lớp cũng thuận tiện hơn trước đây rất nhiều. Qua đây góp phần rất lớn để xã chúng tôi vượt qua khó khăn” – ông Phương cho biết.
Không chỉ đem lại hiệu quả trong công tác giúp dân thoát nghèo bền vững mà tuyến đường bê tông thôn 2 xã Trà Nam còn góp phần tích cực giúp chính quyền huyện Nam Trà My sớm triển khai đề án quy hoạch, sắp xếp lại dân cư. Theo đó, chủ trương chung của huyện là di dời những hộ gia đình sống rải rác, phân tán xuống định cư dọc hai bên đường giao thông. Tiếp đến là sẽ đầu tư hạ tầng dân sinh phục vụ đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa Nam Trà My thoát khỏi danh sách các huyện nghèo nhất nước.
Ngoài dự án đầu tư mở đường bê tông về thôn 2 xã Trà Nam, trong 2 năm qua, dự án GNTN huyện Nam Trà My còn ưu tiên kinh phí để mở 13 tuyến đường về 15 thôn, nóc với tổng chiều dài 4,16 km, tương đường nguồn kinh phí 8 tỉ đồng. Theo đánh giá của huyện Nam Trà My thì những cung đường kiên cố mà dự án ưu tiên mở mới tại những khu vực xa xăm, cách trở đã thực sự đem lại lợi ích cho đồng bào thiểu số. Bà con các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng không những thoát được nghèo đói mà qua đây còn có sự giao lưu, trao đổi về văn hóa, đời sống tinh thần. Ông Nguyễn Thế Phước- Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kiêm Giám đốc BQL DA GNTN Nam Trà My cho biết: “Đường giao thông là cầu nối để thương mại, dịch vụ phát triển, đem lại nguồn thu cho các hộ gia đình. Chúng tôi rất mừng vì những tuyến đường mà DA GNTN đã đầu tư. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều làng, bản chưa có đường, cuộc sống bà con nhân dân vẫn khốn khó. Nên trong thời gian tới rất mong nhận được sự quan tâm đầu tư của cấp trên để địa phương vượt qua gian khó”.
Những hiệu quả dân sinh mà các tuyến đường giao thông mang lại cho đồng bào các dân tộc ở huyện Nam Trà My đã thực sự khẳng định mục tiêu của Dự án GNTN đó là cải thiện sinh kế, phát triển hạ tầng, nâng cao mức sống của người dân. Tin tưởng rằng với những cung đường mới được đầu tư hôm nay sẽ là động lực lớn thúc đẩy cho kinh tế - xã hội ở vùng cao phát triển, đem về cơm no, áo ấm cho dân bản.