hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Thoát nghèo từ hướng đi mới (25/10/2016)
Những năm qua, nhiều hộ dân ở xã Quế Phước (Nông Sơn) đã chủ động vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức sản xuất. Có người mang nghề mới về địa phương, có người mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế trang trại.

Mang nghề hàn inox về quê

Nhiều năm gắn bó với ruộng vườn nhưng chỉ đủ trang trải bữa cơm gia đình, anh Huỳnh Sĩ (44 tuổi, thôn Phú Gia 2, xã Quế Phước) trăn trở tìm hướng đi mới để thoát cảnh nghèo khó. Năm 2011, anh và một người bạn cùng xã quyết định ra TP.Đà Nẵng học nghề tại xưởng cơ khí sản xuất phụ tùng inox. Chân ướt, chân ráo ra thành thị, nhưng nhờ bản tính chịu khó, ham học hỏi, chẳng bao lâu anh Sĩ đã thành thạo công đoạn hàn mẫu inox dạng tròn.

Anh Sĩ chia sẻ: “Vốn là nông dân quen với cái cuốc, cái bừa nên khi chuyển qua làm cơ khí thấy khó vô cùng. Làm việc này phải cẩn thận từng chi tiết, lỡ chích nhầm múi hàn là hư sản phẩm của họ, nhưng chịu khó làm nhiều rồi cũng quen dần”.

Nghề hàn i-nox tại Quế Phước cho thu nhập cao và ổn định. Ảnh: PHAN VINH
Nghề hàn inox tại Quế Phước cho thu nhập ổn định. Ảnh: PHAN VINH

Anh Sĩ làm ở Đà Nẵng được khoảng 3 tháng rồi xin chủ xưởng cho nhận hàng về quê làm. Sau đó, anh vay mượn được hơn 5 triệu đồng để mua máy móc và dạy nghề lại cho vợ mình. Đến nay, vợ chồng anh Sĩ đều có thu nhập ổn định nhờ nghề hàn inox này. Khoảng một tuần, xe hàng chạy tuyến Đà Nẵng - Nông Sơn gửi hàng thô lên cho anh Sĩ và nhận sản phẩm về. Vì làm ăn theo sản phẩm nên nếu tranh thủ, một ngày vợ chồng anh Sĩ có thể hàn được 3.500 viên inox. Với tiền công 55 nghìn đồng/1.000 viên, mỗi tháng vợ chồng anh thu nhập được gần 6 triệu đồng. So với làm nông trước đây, nghề hàn inox cho thu nhập cao và ổn định hơn rất nhiều.

Có được công việc như vậy, anh Sĩ còn tận tình giúp đỡ, dạy nghề lại cho các hộ khác trong vùng. Đến nay, toàn xã Quế Phước đã có hơn 15 hộ tham gia làm nghề hàn inox. Vừa qua, anh Sĩ đã xây được căn nhà mới và đang có ý định sẽ mua thêm máy móc mở rộng sản xuất. “Hàng nguyên liệu và sản phẩm đầu ra thì chúng tôi không lo vì ở Đà Nẵng người ta bao tiêu tất cả, nhưng không phải lúc nào cũng như ý và chất lượng hàng nguyên liệu đôi lúc dày mỏng khác nhau nên bắt buộc người thợ phải vững tay nghề” - anh Sĩ cho biết.

Nữ kỹ sư làm trang trại

Chị Lê Thị Thùy Trang (33 tuổi, thôn Đông An, xã Quế Phước) tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng cầu đường, nhưng gặp khó khăn trong vấn đề xin việc. Sau đó, chị quyết định về quê đầu tư lập trang trại trên mảnh đất rừng có sẵn của gia đình. “Vì mình là con gái nên rất khó theo nghề đã học, nhưng đeo bám làm thêm ở thành phố thì không có tương lai. Học hành như người ta, mình không thể sống mãi trong cái nghèo nên phải về quê nghĩ hướng làm ăn mới” - chị Trang nói.

Xây dựng mô hình trang trại là hướng đi mới để cải thiện kinh tế. Ảnh: PHAN VINH
Xây dựng mô hình trang trại là hướng đi mới để cải thiện kinh tế. Trong ảnh: Trại nuôi dê của chị Trang.  Ảnh: PHAN VINH

Năm 2013, chị vay vốn từ Ngân hàng Chính sách, mở rộng diện tích trang trại lên 10ha. Theo đó, chị tiếp tục đầu tư 35 triệu đồng mua 29 con dê giống. Học hỏi trên internet cách lai giống heo, chị Trang đã lai thành công giống heo cỏ địa phương với giống heo siêu nạc, có sức tăng trưởng và sinh sản tốt. Ngoài ra chị còn được địa phương cử đi tập huấn tại các lớp chăn nuôi và nhận 200 con gà giống từ chương trình hỗ trợ nhà nông làm kinh tế. Đến nay, chị đã có 10ha đất trồng keo và trang trại rộng hơn 400m2 nuôi 30 con heo lai, 36 con dê và hơn 400 con gà. Vừa rồi, để chi trả tiền lãi ngân hàng, chị đã bán 7 con dê, thu được 20 triệu đồng. Dự kiến trong khoảng 2 năm nữa, số keo đến mùa thu hoạch, chị Trang sẽ lãi được hơn 700 triệu, chưa kể nguồn thu từ trang trại gia súc, gia cầm.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nước cung cấp cho trang trại. Mặc dù đã xây một giếng khoan tốn kém nhiều chi phí nhưng đến mùa hạn, nguồn nước rất hạn chế. Sắp đến, trang trại sẽ được mở rộng hơn nữa, mình dự kiến mua thêm dê giống và heo, đồng thời xây chuồng trại kiên cố để đảm bảo quy trình bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh” - chị Trang nói.

Thông tin từ UBND xã Quế Phước, thời gian qua địa phương đã có nhiều hộ chủ động chuyển hướng sản xuất mới, hạn chế phụ thuộc vào ruộng vườn và vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài những hộ thoát nghèo đúng theo tiêu chí quy định, trong năm 2016, xã Quế Phước có 3 hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Địa phương cũng đã thành lập Tổ hợp tác Hàn inox để tạo mối liên kết vững chắc, bền vững lâu dài.

Ông Phan Thanh Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phước nói: “Các mô hình kinh tế của người dân đã góp phần rất lớn trong công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục đưa người dân học tập thêm các kỹ thuật nuôi trồng ở những lớp tập huấn của huyện, tỉnh nhằm nhân rộng mô hình và nâng cao chất lượng sản xuất, cải thiện đời sống kinh tế”.

PHAN VINH

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,237 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 38 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com