hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Mã Châu - Ngôi làng có "tam thanh" (03/10/2016)
Làng Mã Châu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) không chỉ là làng nghề tơ tằm truyền thống nổi tiếng mà còn là vùng đất học hàng đầu của Quảng Nam. Ngày trước, ở đây ngoài tiếng trẻ thơ thì tiếng dệt cửi hòa cùng tiếng đọc sách, bình văn vang khắp làng tạo thành một ngôi làng “tam thanh” độc đáo.
Nghề dệt lụa ở Mã Châu.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nghề dệt lụa ở Mã Châu.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ngôi làng mang tên Chăm - Việt

Nhiều tài liệu cho rằng, làng được hình thành từ thế kỷ XVI với tên là Tứ Mã, gồm 4 xứ Mã Đông, Mã Tây, Mã Thành, Mã Thượng. Nhưng khi tra vào sách cũ không tìm thấy địa danh này. Ô châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1553, trong số 66 làng của huyện Điện Bàn không thấy địa danh Tứ Mã hoặc Mã Châu mặc dù những làng lân cận như Mỹ Xuyên, Chiêm Sơn, Lang Châu, Bàn Thạch… lại có. Qua Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, mới thấy địa danh liên quan là Bà Mã, gồm Bà Mã châu Trung Lương thôn, Bà Mã châu Phú Mỹ thôn, Bà Mã châu Vĩnh Lại thôn, Bà Mã châu Đông Bối thôn (thuộc Hoa châu - Những hộ làm nghề dệt). Châu là đơn vị hành chánh của người Việt ngày đó, tương đương với cấp làng, Bà Mã là một âm Chăm cũng giống như Bà Nà, Bà Rén…

Sang thời nhà Nguyễn, Địa bạ dinh Quảng Nam soạn năm Gia Long thứ 10 (1812), Mã Châu cũng mang tên Bà Mã thuộc Hoa châu. Phải đến năm 1916, trong Tạp chí của Hội Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du vieux Huế) mới thấy tên Tứ Mã, gồm Mã Đông, Mã Tây, Mã Thành, Mã Thượng thuộc tổng Duy Đông xuất hiện. Giả thuyết cho rằng làng được thành lập sau năm 1604 - thời điểm Nguyễn Hoàng vượt đèo Hải Vân vào kinh lý Quảng Nam - được nhiều người đồng tình nhất. Nhưng có lẽ làng nghề ra đời sớm hơn với một tên gọi khác vì đến năm 1615, nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa đã phát triển mạnh ở Duy Xuyên. Chuyện tình lãng mạn giữa Thế tử Nguyễn Phúc Lan và cô gái hái dâu họ Đoàn diễn ra vào năm 1615 đã nói lên điều đó.

Sau năm 1954, làng Mã Châu được gọi là thôn Châu Hiệp thuộc xã Xuyên Châu, là trung tâm hành chánh của quận Duy Xuyên. Sau năm 1975, Mã Châu thuộc xã Duy An, sau đó năm 1986, thuộc thị trấn Duy Xuyên, đến năm 1994 thuộc thị trấn Nam Phước cho đến ngày nay.

Thăng trầm những tiếng thoi

Mã Châu nằm ở vị trí đặc biệt, giữa 3 sông Thu Bồn, Vu Gia và Bà Rén nên là vùng đất phù sa màu mỡ rất thích hợp cho sự phát triển của cây dâu, nguồn thức ăn quan trọng cho tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa của Mã Châu  được cho là sự kết hợp giữa nghề dệt truyền thống của cha ông ta ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ với kinh nghiệm phong phú của người Chăm. Hiện nay ở Mã Châu vẫn còn những gốc dâu Chăm có hàng trăm năm tuổi.

Hai thời kỳ vàng son của nghề dệt ở Mã Châu là dưới thời các chúa Nguyễn và dưới thời Pháp thuộc. Dưới thời chúa Nguyễn, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: “Ở Quảng Nam lụa thuế chỉ lấy ở 2 phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Thăng Hoa hàng năm nộp thuế lụa là 1.545 tấm… Phủ Thăng Hoa thuộc Hoa Châu  hàng năm nộp lụa thuế  809 tấm, lụa lễ 11 tấm, chứa trong 17 hòm để nộp. Thuế  là để dâng lên, còn lụa lễ dùng để tặng quan trấn…” (trang 366). Thời đó Mã Châu chuyên cung cấp lụa cho giới quý tộc. Công việc trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa được thực hiện trong làng với hàng trăm gia đình tham gia theo phương thức thủ công. Mã Châu có bến Đò Tơ nổi tiếng sầm uất, khi xứ Đàng trong mở cửa giao lưu với bên ngoài, thì nơi đây cung cấp rất nhiều tơ lụa cho các thương nhân nước ngoài, thông qua thương cảng Trà Nhiêu, Hội An. Tơ lụa Mã Châu đã sớm khẳng định thương hiệu của mình trong và ngoài nước và đã có mặt ở nhiều nước châu Âu, Đông Nam Á.

Từ cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đến Việt Nam, Mã Châu có thêm nghề trồng bông dệt vải, nhưng tơ lụa vẫn là sản phẩm chủ yếu. Trong thập niên 30, với việc cải tiến chiếc máy dệt của ông Võ Diễn từ thủ công sang bán cơ giới cho phép dệt vải khổ rộng có năng suất và chất lượng cao hơn, nghề dệt ở Mã Châu phát triển vượt bậc. Đời sống của dân làng ngày càng khá hơn. Tơ lụa Mã Châu đi khắp nước đến tận Sài Gòn, Hà Nội, sang cả Nông Pênh, Băng Cốc.

Trong kháng chiến chống Pháp, dệt Mã Châu tỏa ra khắp vùng kháng chiến với các sản phẩm như vải bông, vải xita… Sau năm 1954, nghề dệt Mã Châu được phục hồi một phần. Chiến tranh ập đến, Mã Châu trở thành vùng giao tranh, người Mã Châu lưu lạc khắp nơi, nhiều nhất là Đà Nẵng và Sài Gòn. Làng dệt vải Bảy Hiền ở Sài Gòn với nhiều người gốc Mã Châu đã tạo ra nhiều sản phẩm nổi tiếng cạnh tranh với các công ty lớn như Thành Công, Việt Thắng chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu qua nhiều nước Á - Âu.

Sau năm 1975, làng nghề Mã Châu hồi sinh, tiếp tục phát huy nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa. Từ năm 1990, làng nghề đứng trước những thách thức lớn do tác động của cơ chế thị trường thời mở cửa hội nhập. Hiện Mã Châu được sự hỗ trợ của huyện, tỉnh để duy trì hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nội địa, đặc biệt là cho du lịch và cũng để giữ thương hiệu nổi tiếng một thời, nhưng xem ra rất khó để tìm lại dù chỉ một phần của vàng son thuở trước.

Đất khoa bảng

Duy Xuyên là đất khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam, chỉ xếp sau Điện Bàn. Toàn huyện có 63 người đỗ đạt cao, trong đó tiến sĩ có 2 người (13,3% cả tỉnh), phó bảng có 5 người (20%) và cử nhân có 57 người (26,8%). Trong số 21 làng có khoa bảng của Duy Xuyên, Mã Châu lại là làng có số khoa bảng đông nhất với 10 người, chiếm 15,9% số khoa bảng cả huyện, gồm 2 đại khoa (phó  bảng) và 8 trung khoa (cử nhân).

Gia đình họ Phạm ở Mã Châu lại là gia đình khoa bảng số một không những của huyện Duy Xuyên mà của cả tỉnh Quảng Nam, với 1 phó bảng và 6 cử nhân. Người mở đầu cho khoa bảng của gia đình danh giá này là Phạm Thanh Chơn. Ông đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841) dưới thời vua Thiệu Trị, tại trường thi Thừa Thiên. Em kế là Phạm Thanh Nhã mới là người đỗ cao nhất, đỗ cử nhân năm Bính Ngọ (1846) dưới triều Thiệu Trị, đỗ phó bảng khoa Tân Hợi (1851). Hai người em của Phạm Thanh Chơn cũng nối chí khoa bảng của các anh. Phạm Thanh Thục đỗ cử nhân khoa Giáp Tý, năm 1864. Người em út Phạm Thanh Nghiêm đỗ cử nhân khoa Quý Dậu (1873). Sang thế hệ thứ hai, Phạm Cung Lượng (con trai của phó bảng Phạm Thanh Nhã), đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884); Phạm Thanh Túc (con Phạm Thanh Nghiêm) đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900) dưới triều Thành Thái.

Thật là một gia đình khoa bảng hiếm thấy!

Người xưa quan niệm “Gia hữu tam thanh” -  nhà có phước là nhà có ba thứ tiếng: tiếng đọc sách, tiếng dệt cửi và tiếng trẻ thơ khóc. Với quan niệm đó, ngày trước Mã Châu chính là một ngôi làng “có phước”! Vấn đề hiện nay là làm sao cho “phước” được bền lâu.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,344 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 38 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com