hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Báo động suy giảm nguồn lợi thủy sản (23/06/2016)
Sản lượng đạt thấp trong các chuyến biển ở tuyến bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh vào vụ cá chính đã cho thấy nguồn lợi hải sản bị suy giảm.

Sản xuất cầm chừng

Câu cá hố là nghề khai thác hải sản gần bờ tương đối nổi bật trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua. Ra khơi, ngư dân không cần phải có tàu cá lớn, khoảng 5 lao động, khai thác cách bờ chừng vài chục hải lý. Vậy nhưng, thời gian gần đây, có rất ít ngư dân hoạt động bằng nghề này. Nhiều ngư dân cho biết, sản lượng thu được của nghề chỉ còn bằng một nửa so với trước đây. “Đang vụ sản xuất chính nhưng không hiểu sao cá hố lại rất ít khi cắn câu. Có khi cả ngày đêm mà chúng tôi câu chỉ được vài ký. Mấy tháng nay sản xuất thất thu. Nhiều anh em bạn biển đã chuyển nghề nên sẽ khó có đủ lao động cho các chuyến biển tiếp theo” - ngư dân Phạm Văn Trung (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An) nói. Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân theo nghề câu cá hố cho biết đang cân nhắc có nên tiếp tục sản xuất với nghề này nữa không vì hiệu quả kém. Trước đây, nghề câu cá hố được ngư dân ở khắp 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh lựa chọn vì nguồn lợi này sinh sôi nhanh, sống thành đàn, rất tạp ăn nên dễ khai thác. Vậy nhưng, thời điểm này đang là mùa cá hố hoạt động mạnh nhưng sản lượng đạt thấp cho thấy loài hải sản này cạn kiệt dần. Hiện nay, hầu như nghề câu cá hố chỉ còn được một số ít ngư dân Hội An, Duy Xuyên còn sản xuất.

Nghề lưới cá trích hoạt động kém hiệu quả trong thời gian gần đây do nguồn lợi bị suy giảm. Ảnh: N.Q.V
Nghề lưới cá trích hoạt động kém hiệu quả trong thời gian gần đây do nguồn lợi bị suy giảm. Ảnh: N.Q.V

Nghề lưới cá trích ở tuyến bờ cũng hoạt động kém hiệu quả trong vụ cá chính này. Hiện tại, ngư dân chỉ sản xuất cầm cự. “Trước đây, chúng tôi bám biển chỉ vỏn vẹn từ tối đến sáng là có thể cập bờ, bán cá trích đánh bắt được. Chừ thì túc trực trên biển vài ba ngày mới có được mẻ lưới nhiều cá. Sản xuất ngày càng khó khăn hơn, trong khi chi phí đầu vào tăng lên thì sản lượng khai thác lại không đạt” - ngư dân Nguyễn Quá (thôn An Lương, xã Duy Hải) cho biết. Các cảng cá Thanh Hà (TP.Hội An), bến cá Duy Hải hay Tân An (Thăng Bình) hiếm khi bắt gặp cảnh chộn rộn, sầm uất mua bán cá hố, cá trích, cá cơm bởi các chuyến biển gần bờ không đạt sản lượng. Các nghề tẩm ướp phơi cá, hấp cá ở Bình Minh (Thăng Bình) hay Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cũng không còn rộn ràng vào thời gian này như mọi năm vì thiếu nguyên liệu cá tươi.

Suy giảm nguồn lợi

Hoạt động yếu kém của các nghề đánh bắt hải sản gần bờ cho thấy nguồn lợi ngày một suy kiệt. Trong khi đó, vùng biển ven bờ của Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung đang phải chịu quá nhiều tác động xấu. Ô nhiễm môi trường ở khu vực này đã khiến cho đa dạng sinh học bị giảm sút. Nạn khai thác hải sản bằng xung điện, chất nổ vẫn còn diễn ra khiến cho nguồn lợi bị tận diệt. Theo Sở NN&PTNT, áp lực đối với nguồn lợi là quá lớn khi trong thời gian qua, đội tàu có công suất dưới 90CV hoạt động ven bờ của toàn tỉnh chiếm đến 92%. Nghề giã cào đơn và đôi gây nguy cơ tận diệt nguồn lợi vẫn còn chiếm tỷ lệ khá lớn, gần 10% trong cơ cấu nghề khai thác hải sản. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: “Trong những năm qua, với nhiều nỗ lực, Quảng Nam đã từng bước giảm tỷ lệ tàu cá công suất nhỏ, tăng số lượng tàu cá công suất lớn để vươn khơi khai thác xa bờ. Tuy nhiên đến nay, lượng tàu cá công suất nhỏ, khai thác ven bờ, sử dụng trang thiết bị, công nghệ khai thác lạc hậu vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, cường lực khai thác nguồn lợi ven bờ vẫn còn cao, nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi là không tránh khỏi”.

Để hạn chế tình trạng suy giảm nguồn lợi hải sản, ngành thủy sản của tỉnh đã phối hợp với các địa phương ven biển tập trung chuyển đổi nghề cho một bộ phận ngư dân sản xuất gần bờ. Hỗ trợ con giống để ngư dân chuyển sang chăn nuôi hay giúp họ tiếp cận vay vốn từ ngân hàng chính sách để làm du lịch, dịch vụ đã được triển khai nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Lý giải về điều này, ngành chức năng cho rằng tập tục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của ngư dân khiến họ khó tiếp cận nghề mới với các đòi hỏi lớn hơn. Một giải pháp khác là giúp ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và Chính phủ để vay vốn ưu đãi, đóng tàu lớn vươn khơi, sản xuất xa bờ nhưng khả thi thấp vì ngư dân ít có khả năng huy động vốn để làm đối ứng.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thời gian tới, sẽ thực hiện nghiêm quy định không phát triển thêm các tàu cá công suất nhỏ hơn 30CV và tàu cá hoạt động bằng nghề giã cào. Cùng với đó là tập trung nghiên cứu, điều tra nguồn lợi, chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi bằng cách triển khai thực hiện một số chương trình thả giống ra các vùng nước tự nhiên đối với một số đối tượng hải sản có nguy cơ cạn kiệt. Đồng thời nhanh chóng hướng dẫn, giám sát chặt chẽ các hoạt động nghề cá theo quy định về mùa vụ, luồng tuyến khai thác, đối tượng khai thác được hợp lý hơn...

Theo baoquangnam.com.vn

Lượt xem:  699 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 198 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100 130 170
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com