hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Hướng đi nào cho làng mộc Văn Hà? (23/06/2016)
Nguồn vốn không có, nhân công ít cộng với thị trường tiêu thụ bấp bênh là những khó khăn mà hiện nay làng mộc Văn Hà đang phải đối mặt. Dù đã cố gắng trong nhiều năm qua nhưng tương lai của một làng mộc từng một thời hưng thịnh dưới triều Nguyễn đang vẫn mờ mịt.
Cụ Thẩm đang thực hiện các họa tiết trên tấm gỗ mít. Ảnh: TUỆ MINH
Cụ Thẩm đang thực hiện các họa tiết trên tấm gỗ mít. Ảnh: TUỆ MINH

Một thời hưng thịnh

Làng mộc Văn Hà nằm trên địa phận thôn 5 (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) với bề dày lịch sử hơn 300 năm, đã có những lúc thịnh, lúc suy rồi lại lụi tàn. Hầu hết sản phẩm của làng là các nhà rường cổ, đồ gia dụng được chạm khắc tinh xảo, đặc biệt là chiếc bàn xoay “ma thuật” nổi tiếng khắp nơi.

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân của làng mộc Văn Hà, cụ Đinh Thạch (người dân hay gọi là cụ Thẩm), nay đã ngoài 95 tuổi đang mày mò chạm cánh hoa cuối cùng trên cái ghế. Ông kể: “Cụ tổ của nghề mộc Văn Hà có gốc gác từ xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào đây truyền nghề cho con cháu từ thời vua Lê Thánh Tông. Người khai sinh ra đầu tiên là ông Đinh Đại Lang, lớp sau đó là ông Đinh Văn Khóa, Đinh Luyện, Trần Huy… Các sắc phong thời vua Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái dành cho những người có công vẫn còn lưu giữ ở tự đường họ Đinh”. Dấu ấn mộc Văn Hà vẫn còn để lại tại hơn 60 ngôi nhà rường cổ ở các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ. Đặc biệt, ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật nhà rường cũng do các thợ mộc Văn Hà chạm, khắc.

Có những thời điểm làm mộc được xem là một nghề chính của làng. Những năm sau giải phóng, sản phẩm Văn Hà đã có mặt hầu hết trên thị trường, đôi khi nhiều người còn khó có cơ hội mua được sản phẩm của làng. Ông Thẩm kể, khi xưa nghề mộc thu nhập khấm khá, hơn hẳn làm nông nghiệp, thợ mộc Văn Hà đi đến đâu cũng được nhờ làm nhà, làm cửa hay đóng đồ gia dụng. Chính tay cụ đã làm nên nhiều nhà cổ với lối kiến trúc đặc trưng “tam nhị hạ thiên”, “tam gian tứ hạ”… với những nét chạm trổ long phượng, điểu, tùng, lộc, chim én... vô cùng sắc sảo.

Đến lúc lụi tàn

Thế nhưng sự hưng thịnh của làng mộc giờ đây không còn nữa. Ngoài nguyên nhân khách quan là sản phẩm của làng mộc Văn Hà đang đối mặt với sức ép của nền công nghiệp, cơ sở kỹ thuật làm mộc ngày càng tiên tiến cộng với nhiều hàng hóa kém chất lượng đổ vào Việt Nam. Mộc chính thống bị bóp nghẹt bởi hàng khắp nơi tràn về với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ cùng với sự nhá nhem vàng thau lẫn lộn khiến cho mộc Văn Hà càng ngày càng mất danh tiếng trên thị trường. Sự khó khăn nhanh chóng kéo theo nhiều hệ lụy, sản xuất kém, thị trường tiêu thụ không còn, nhiều gia đình tỏ ra chán nản. Xu hướng người dân dần chuyển sang nhà xây bắt đầu thịnh hành, ít ai có nhu cầu làm nhà gỗ truyền thống, làng mộc dần dần mất chỗ đứng rồi mai một. Nghề không nuôi sống nổi người làm nghề, lớp người tài hoa dần dần rời bỏ nghề...

Hiện tại cả làng mộc Văn Hà chỉ còn 1 cơ sở sản xuất của anh Phạm Miên, học trò xuất sắc của cụ Thẩm. Anh Miên chia sẻ: “Bây giờ ít ai nhớ đến làng mộc này. Tiếng tăm Văn Hà còn giữ được là nhờ cái bàn xoay “ma thuật”. Nhiều người hiếu kỳ vì cái lạ của nó nên tìm đến mua”. Số người biết nghề đã ít mà làm được nghề tinh xảo thì càng ít hơn, trong khi đó số người muốn học nghề thì không tự tin vào cách dạy trong làng. Sản phẩm của làng mộc đem bán ở các hội chợ hay trưng bày tại trạm dừng chân Bình An cũng thưa thớt dần. Cuối cùng chẳng ai nói ai, làng mộc dần dần ít người chú ý.

Các chi tiết được chạm khắc tỉ mỉ bởi những người thợ làng mộc.
Các chi tiết được chạm khắc tỉ mỉ bởi những người thợ làng mộc.

Chọn hướng đi nào?

Năm 2003, tổ chức JICA phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã hỗ trợ và đào tạo nghề mộc cho 15 người ở Quảng Nam bằng cách sản xuất các sản phẩm mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống trong vòng 45 ngày. Anh Pham Miên là đại diện duy nhất của làng mộc Văn Hà tham gia khóa học ngày đó. Năm 2008, UBND huyện Phú Ninh hỗ trợ kinh phí tổ chức lớp đào tạo nghề cho người dân trong làng do cụ Đinh Thạch giảng dạy tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tam Thành II kéo dài 3 tháng. Thế nhưng cũng chỉ có 3 người biết nghề khi khóa học kết thúc. Ngày 5.12.2012, Cụm công nghiệp thương mại dịch vụ huyện Phú Ninh đã tài trợ lớp đào tạo nghề với tổng giá trị 75 triệu đồng cho Văn Hà. Thông qua đó, Văn Hà đã đào tạo được 6 người lành nghề. Tháng 9.2013, UBND tỉnh đã quyết định công nhận Văn Hà là làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu cấp thiết lúc bấy giờ là cần phải duy trì và phát triển làng mộc, 5 thợ lành nghề trong làng đã thành lập tổ hợp tác sản xuất do anh Phạm Miên làm tổ trưởng. Từ khi thành lập tổ sản xuất, làng mộc liên tiếp nhận các đơn đặt hàng làm nhà rường, bàn xoay khắp nơi. Nhưng cũng chỉ được giai đoạn đầu rồi dần dần rơi vào bế tắc.

Năm 2014, làng mộc Văn Hà tiếp tục nhận gói hỗ trợ công cụ sản xuất với tổng giá trị 80 triệu đồng từ Cụm công nghiệp thương mại dịch vụ của huyện Phú Ninh. Thế nhưng, đến nay thôn Văn Hà có khoảng 200 hộ cũng chỉ có vài ba người bám trụ với nghề này. Ông Bùi Ngân Tùng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành cho biết: “Xã cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất để có thể duy trì nghề mộc truyền thống của địa phương. Vừa qua, UBND huyện chỉ đạo xã lập kế hoạch chuẩn bị xây dựng một cơ sở sản xuất mộc đáp ứng theo tiêu chí của làng nghề. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất bây giờ là nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế nên kế hoạch còn dở dang”.

Cũng phải nói rằng, từ khi Văn Hà được công nhận làng nghề truyền thống thì nhiều vấn đề đặt ra, cho dù chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực níu giữ nhưng những khó khăn ở trên đang dần đẩy làng nghề có tiếng ở miền Trung đi vào bế tắc. Những chính sách hỗ trợ cho Văn Hà nói riêng và nghề mộc nói chung lúc này đều cần thiết bởi việc vực dậy một làng nghề đã lụi tàn đã khó, duy trì nó lại càng khó hơn.

Theo baoquangnam.com.vn

Lượt xem:  688 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 198 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100 130 170
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com