hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn: Sạch từ nơi sản xuất đến bàn ăn (21/06/2016)
Người dân được gì khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm sạch? Việc liên kết tiêu thụ hàng hóa, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ra sao?... Đó là những câu hỏi đặt ra xung quanh việc triển khai 6 chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh trong năm 2016.
Rau sạch là mối quan tâm của người tiêu dùng và toàn xã hội trong mỗi bữa ăn.Ảnh: H.S
Rau sạch là mối quan tâm của người tiêu dùng và toàn xã hội trong mỗi bữa ăn.Ảnh: H.S

Hiện thực hóa chủ trương từ những cuộc họp bàn về nông nghiệp sạch được tổ chức gần đây dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các cấp ngành và người dân đang tích cực triển khai xây dựng các chuỗi sản phẩm thí điểm gồm: thịt heo, rau quả, tôm, thịt gà, trứng gà và nước mắm. Dự kiến đến giữa tháng 7.2016, chuỗi sản phẩm đầu tiên là thịt heo được cung ứng trên thị trường.

Mở rộng chuỗi cung ứng

Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi gà lấy trứng của anh Nguyễn Văn Học (thôn Phước An, xã Tam An, Phú Ninh) khi anh đang tất bật chuyển sang mô hình nuôi gà trại lạnh. Nuôi gà theo cách này không mới ở Quảng Nam, nhưng rất hiếm. Theo anh Học, việc trang trại của anh đầu tư thêm hệ thống cào phân gà tự động có thể là điểm mới nhằm hướng đến một trường chăn nuôi chuyên nghiệp. Anh cho biết, phải bỏ ra 700 triệu đồng để xây dựng mô hình trại lạnh khép kín, giữa tháng 6 này đi vào hoạt động với 10 nghìn con gà đẻ được đưa về nuôi lấy trứng. “Hơn 10 năm nay, trang trại tôi cung cấp trứng gà sạch cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ và nhiều địa chỉ khác với thương hiệu “Trứng gà Văn Học”. Mới đây, tôi đăng ký tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trứng gà an toàn và qua kiểm tra đáp ứng các yêu cầu. Hy vọng khi tham gia chuỗi hàng hóa sạch, thương hiệu “Trứng gà Văn Học” sẽ được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến” - anh Học kỳ vọng. Theo phương án dự thảo của Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, khi xây dựng chuỗi, chủ trang trại sẽ được hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong suốt quá trình chăn nuôi, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2016, Sở NN&PTNT xây dựng phương án thí điểm 4 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, khi có chủ trương, nhiều tổ chức, cá nhân chủ động liên hệ muốn được tham gia xây dựng mô hình kiểm soát an toàn chuỗi và được thống nhất khảo sát xây dựng thêm. Cụ thể là ngoài trại gà anh Nguyễn Văn Học còn có làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình). Làng nghề này có 10 hộ tham gia sản xuất với sản lượng bình quân 70 nghìn lít mỗi năm. Nguyên liệu chủ yếu là cá cơm, được thu mua từ các tàu khai thác của các xã Bình Dương, Bình Minh (Thăng Bình). Kết quả triển khai ban đầu, UBND 2 xã này làm việc với các chủ tàu khai thác cá cơm cung cấp cho việc làm nước mắm để hướng dẫn chủ tàu ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn trong khai thác thủy sản. Dự kiến sản phẩm nước mắm sẽ được bán tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, một số chợ trên địa bàn tỉnh (Hà Lam, Nam Phước, Tam Kỳ, Hội An) và cửa hàng số 8 Nguyễn Dục (TP.Tam Kỳ).

Nhận diện khó khăn

Đầu tháng 6, chúng tôi quay lại vùng chuyên canh rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, Duy Xuyên) và nghe những tiếng thở dài của rất nhiều nông dân. Ông Lê Trung Thiện - một người dân địa phương nói rằng, hồi mới triển khai mô hình sản xuất rau quả VietGAP, nhờ đầu ra sản phẩm rất ổn định nên 3 sào đất chuyên canh rau quả, bình quân mỗi năm cho giá trị khoảng 40 triệu đồng/sào, trừ mọi chi phí đầu tư thì lãi ròng ít nhất 15 triệu đồng/sào. “Tuy nhiên, sau khi các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch bị thất bại, hơn 2 năm nay các hộ dân nằm trong tổ hợp tác sản xuất rau quả an toàn buộc phải quay về với phương thức sản xuất thông thường. Từ đó việc canh tác như đánh bạc với thị trường, bởi nhà nông chúng tôi phải tự tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm và thường xuyên chịu cảnh bị tư thương ép giá, nguồn thu nhập giảm đi rất nhiều so với lúc trước” - ông Thiện than phiền.

Trên đây là dẫn chứng về khó khăn đầu ra mà nông dân từng đổ dồn bao tâm huyết để sản xuất theo hướng VietGAP. Hiện làng rau Lang Châu Bắc không tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn trong năm 2016, chỉ có duy nhất Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau sạch Mỹ Hưng (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, Thăng Bình) tham gia chuỗi này với diện tích trồng 11ha. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho rằng, việc thực hiện chuỗi sản xuất - cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch là vấn đề không đơn giản; những năm qua sản phẩm rau quả an toàn của người dân làng Hưng Mỹ rất bấp bênh trong việc tiêu thụ. Mới đây, chính quyền huyện Thăng Bình đã mời lãnh đạo các doanh nghiệp, trường học… đóng chân trên địa bàn đến để nhờ họ nghiên cứu tiêu thụ giúp sản phẩm cho người dân làng Hưng Mỹ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị cũng không mặn mà hợp tác.

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã xây dựng phương án hỗ trợ đối với HTX rau sạch Mỹ Hưng khi tham gia chuỗi sản xuất rau an toàn. Cụ thể, sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho từng vụ, từng năm; rà soát, quy hoạch mở rộng vùng sản xuất rau trên địa bàn thôn Hưng Mỹ; tập huấn nông dân sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, lập phương án hỗ trợ vật chất và các điều kiện khác để mở rộng việc sản xuất và tiêu thụ; cử cán bộ thường xuyên giám sát, hướng dẫn; hỗ trợ xe ô tô vận chuyển rau…

Đối với chuỗi tôm, ông Ngô Tấn  - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, khó khăn ở chỗ tôm được nuôi theo mùa vụ (mỗi năm 2 vụ) nên việc cung ứng sản phẩm sẽ bị gián đoạn. Để cung ứng quanh năm, chủ hộ tham gia chuỗi là ông Trần Công Thành (nuôi tôm tại thôn 6, xã Tam Hòa, Núi Thành) cần mặt bằng 5ha đất mở rộng diện tích.

Ngành nông nghiệp tỉnh nhận định, khó khăn lớn nhất của các chuỗi hiện nay là giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nhất là mở các quầy kinh doanh tại các chợ bởi vì đối tượng này không thuộc sự quản lý của ngành nông nghiệp mà thuộc quản lý hành chính của cấp huyện và chuyên môn của ngành công thương. Do đó, các cấp ngành, địa phương cần có sự phối hợp, hỗ trợ để tìm được hướng đi chung.

Chủ trương đột phá

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng, quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự năng động, nhạy bén của doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định tính bền vững của chuỗi liên kết sản phẩm sạch. Tại diễn đàn tham vấn doanh nghiệp về cơ chế tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, đã có những dấu hiệu tích cực đến từ phía doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm hướng liên kết, mở rộng đầu tư, bàn bạc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch của Quảng Nam. Ngoài doanh nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã khảo sát và lên danh sách hàng chục cơ sở thu mua thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tham gia.

Gia đình chị Đoàn Thị Hiền (tổ 18, thôn Lý Trường, xã Bình Phú, Thăng Bình) là một trong 17 hộ đạt các yêu cầu để tham gia chuỗi cung ứng thịt heo. Chị Hiền cho biết, vừa xuất bán gần 20 con heo thịt, chuồng trại hiện còn hàng chục heo con và heo choai. “Được tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn là điều mà người chăn nuôi như chúng tôi cũng như người tiêu dùng rất mong mỏi, nhất là hiện nay thực phẩm bẩn tràn lan. Chúng tôi cam kết không sử dụng chất cấm, tuân thủ quy trình chăn nuôi, chịu sự giám sát chặt chẽ của địa phương, cấp ngành” - chị Hiền nói. Trong năm nay, Sở NN&PTNT đã bố trí hơn 200 triệu đồng để xây dựng chuỗi cung ứng thịt heo an toàn. Công ty TNHH Sản xuất, chế biến thực phẩm Quảng Nam (đóng tại xã Bình Phục, Thăng Bình) được chọn thực hiện công đoạn giết mổ. Dự kiến, sản phẩm thịt heo an toàn sẽ được bày bán tại các chợ ở Thăng Bình vào tháng 7 tới.

Chủ trì các cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, với quyết tâm thực hiện, sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công các chuỗi sản phẩm này. Không những vậy, những năm tới sẽ tổng kết, đánh giá để mở rộng sang các chuỗi khác. Đây là một giải pháp có tính đột phá và bền vững nhằm quản lý tốt chất lượng ATTP, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  813 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 197 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100 130 160
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com