Gia đình ông Xa Thanh Phong (tổ 2, thôn Tứ Sơn, xã Bình Trung) sản xuất 8 sào lúa. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ trướcTết Nguyên đán đến nay trên đồng ruộng nhà ông xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại. Ông Phong cho biết: từ trước tết đến nay tôi đã mua và phun 3 lần thuốc trừ bệnh đạo ôn cho đồng ruộng, mỗi lần phun cách nhau 7 ngày nhưng bệnh vẫn chưa khỏi. Theo ông Phong, đạo ôn là bệnh rất nguy hiểm đối với cây lúa, có thể gây hại và làm giảm năng suất cây lúa 30 - 35%.
Gia đình anh Lê Văn Mai (ở tổ 4 thôn Trà Long, xã Bình Trung) có 6 sào lúa cũng gặp tình trạng: lúa đang phát triển tốt, đến khi chuẩn bị làm đòng thì bị cháy chòm cục bộ. Theo anh Mai, ruộng nhà anh bị bệnh đạo ôn gây hại là do anh sử dụng giống lúa BC15, đây là giống lúa dễ bị nhiễm bệnh, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ bùng phát ngay.
Trong vụ đông xuân này, xã Bình Trung xuống giống hơn 860ha lúa, hiện nay cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên có 30ha bị nhiễm bệnh đạo ôn nhẹ, 1ha bị cháy chòm cục bộ. Theo ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Bình Trung, nguyên nhân bệnh đạo ôn gây hại tại xã Bình Trung là vì trước trong và sau Tết Nguyên đán bà con nông dân có sự chủ quan, ít đi thăm đồng nên một số chân ruộng đã bị cháy chòm nhưng không được phát hiện kịp thời. Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình cho biết, theo thống kê, đến cuối tuần qua, toàn huyện Thăng Bình có hơn 360ha lúa ở các xã Bình Định Bắc, Bình Tú, Hà Lam, Bình Trung... bị nhiễm bệnh đạo ôn tập trung trên các giống BC15, Xi23, 0M4900, SV181, KD18…; trong đó có 5,45ha bị cháy chòm. Cũng theo ông Quảng, bệnh đạo ôn là bệnh rất nguy hiểm, nhất là khi hiện nay chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là lúa sẽ làm đòng. Nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời bệnh sẽ tiếp tục lan rộng và gây hại ở cổ bông làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa vụ đông xuân. Do đó, khi lúa xuất hiện bệnh, cần phun thuốc trừ đạo ôn trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh; ngưng ngay việc bón phân đạm, hoặc phun các loại phân bón qua lá, thuốc kích thích sinh trưởng. Nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm dịch bệnh, kịp thời có biện pháp phòng trừ.