hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Đứng lên từ khó khăn, vấp ngã (03/03/2015)
Đứng lên từ khó khăn, vấp ngã

 Tách ra từ xã Tam Thái vào tháng 1.2005, Tam Đại là vùng đất bán sơn địa không mấy được thiên nhiên ưu đãi. Đất nông nghiệp độ phì nhiêu thấp, một vài nơi còn canh tác nhờ vào nước trời; tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ không có điều kiện để phát triển; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo năm 2005 là 24,5%. Cơ sở hạ tầng của địa phương lúc bấy giờ cũng yếu kém; điện, đường, trường, trạm chưa hoàn chỉnh, trụ sở làm việc  của xã phải mượn tạm. Nhưng khó khăn lớn nhất của Tam Đại lúc đó là đội ngũ cán bộ. Sau chia tách, cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể của xã phần lớn mới bố trí, tuyển dụng, tuổi đời còn rất trẻ, chưa qua đào tạo về chuyên môn, chính trị và hầu hết chưa trải nghiệm thực tiễn. Đảng bộ có 78 đảng viên thì phần lớn đã lớn tuổi, hưu trí.

 Trường Mẫu giáo xã Tam Đại được quan tâm đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: DUY HIỂN
Trường Mẫu giáo xã Tam Đại được quan tâm đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: DUY HIỂN

Công việc đầu tiên của địa phương sau chia tách là tập trung xây dựng, ổn định hệ thống chính trị bao gồm quy hoạch, đào tạo và sắp xếp cán bộ. Trong công tác này, Đảng ủy xã đặc biệt coi trọng tính khách quan, công tâm, công khai và dân chủ, chú ý bồi dưỡng, phát triển đảng viên, bố trí vào những vị trí cốt cán. Đến nay 100% cán bộ xã là đảng viên; 100% số trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, phó ban nhân dân thôn, thôn đội trưởng, công an viên, chi hội trưởng các đoàn thể là đảng viên. Riêng chi hội phó các đoàn thể đến nay đạt tỷ lệ 75% là đảng viên. Đối với công tác đào tạo cán bộ, trong 5 năm qua, địa phương đã đưa đi đào tạo trung cấp và sơ cấp lý luận chính trị cho 64 người, 19 người tốt nghiệp trung cấp và đại học chuyên ngành. Nhờ vậy số lượng cán bộ đạt 3 chuẩn của Tam Đại chiếm 78,9%. Đội ngũ cán bộ được xây dựng và kiện toàn đã giúp nâng cao hiệu quả công tác, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của cấp trên và của địa phương. Thực tế địa phương những năm qua cũng là trường học lớn giúp cho nhiều cán bộ trẻ rèn luyện, trưởng thành và đảm nhiệm tốt các vị trí lãnh đạo chủ chốt, công chức cơ sở cũng am tường hơn công việc chuyên môn của mình.

Về lĩnh vực kinh tế - xã hội, qua 10 năm Tam Đại đã đạt những thành tựu đáng kể. Nhờ tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh nên năng suất lúa từ 37tạ/ha tăng lên 50tạ/ha, tổng sản lượng lương thực tăng 1,6 lần so với lúc chia tách, đạt khoảng 2.800 tấn/năm.  Kênh mương ở các cánh đồng Phước Thượng, Long Sơn vốn khó khăn về địa hình không chủ động được nước tưới, nay đã được bê tông hóa 2,4km giúp sản xuất hai vụ ổn định. Trong nông nghiệp, chăn nuôi là thế mạnh của Tam Đại, đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi bò đàn hàng chục con; tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã hiện nay khoảng 60.000 con. Người dân Tam Đại cũng phát huy lợi thế đồi núi để trồng rừng mà chủ yếu là keo. Loại cây xóa đói giảm nghèo này đã giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống, vươn lên khá giả. Trung bình hàng năm, trồng rừng đã đem lại thu nhập cho người dân địa phương khoảng 3 tỷ đồng. Chính quyền xã cũng đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành đo đạc và cấp 823 giấy quyền sử dụng đất rừng, giúp người dân yên tâm sản xuất đồng thời ngăn ngừa tình trạng tranh chấp đất, ổn định tình hình an ninh trật tự.

HĐND xã cũng ban hành cơ chế để khuyến khích phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi. Nhờ đó đã cải tạo được 137 vườn tạp, chuyển sang trồng tiêu tại các thôn Long Sơn, Đại An, Đại Hanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Phương, thôn Đại An cho biết, gia đình ông trồng tiêu từ khá lâu nhưng mấy năm gần đây với những chính sách hỗ trợ của chính quyền đã mở rộng diện tích, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chăm sóc cây tiêu bài bản hơn, nhờ đó lượng tiêu hạt ngày một tăng. Riêng năm 2014, ông thu hoạch 1,7 tạ tiêu, trị giá gần 60 triệu đồng.

Kinh tế cải thiện cũng là điều kiện tiên quyết để Tam Đại chăm lo cho an sinh xã hội. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn xã đã có 250 ngôi nhà của các gia đình chính sách và hộ đặc biệt khó khăn được hỗ trợ nâng cấp, sữa chữa. Từ nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo và được hướng dẫn cách làm ăn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, xuất hiện ngày càng nhiều hộ khá giả. Người dân Tam Đại cũng năng động tự học nghề, tìm kiếm việc làm mới nên đã ổn định, phát triển được kinh tế gia đình. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm nhanh đến nay chỉ còn 4,67%.

Với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, công sức đóng góp của nhân dân, cơ sở hạ tầng của Tam Đại đã từng bước hoàn chỉnh. Về giao thông, đã bê tông hóa được 20km đường liên thôn, hệ thống đường ngang nối với trung tâm huyện Phú Ninh được xây dựng mới giúp đi lại thuận lợi và tạo cảnh quan đẹp. Khu trung tâm xã ngày nào còn là vùng hoang vắng nay đã khá khang trang với các công trình trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, sân vận động, trường mẫu giáo. Ông Nguyễn Hữu Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết: “Xã có 2 trường học được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân cũng đóng góp xây dựng được 4 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, nâng cấp 2 công trình khác. Hệ thống điện được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tam Đại đã đạt được 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Huyện Phú Ninh cũng đã có kế hoạch đầu tư để hỗ trợ địa phương phấn đấu đến 2016 hoàn thành xây dựng nông thôn mới”.

Mười năm, xã Tam Đại đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng vấp phải khuyết điểm, sai phạm mà nghiêm trọng nhất là vụ giải quyết chế độ có công cách mạng theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ. Vụ việc “nổi tiếng” cả nước, một số cán bộ, đảng viên bị phạt tù, bị kỷ luật, thuyên chuyển công tác. Từ sai phạm này, cấp ủy đảng, chính quyền đã rút ra bài học đắt giá để chỉnh đốn hệ thống chính trị cơ sở. Ông Phan Đình Quế - Bí thư Đảng ủy xã Tam Đại nói: “Bài học 290 đã giúp chúng tôi đổi mới phương thức lãnh đạo; mà trước hết là củng cố sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ, chấn chỉnh tình trạng buông lỏng quản lý, quan liêu giấy tờ. Đảng ủy, UBND xã duy trì thường xuyên chế độ giao ban trực báo, kiểm tra giám sát, đồng thời củng cố hệ thống chính trị dưới thôn, tiểu tổ; ổn định tư tưởng đảng viên và nhân dân. Nhờ vậy đã vãn hồi được tình hình, phong trào phục hồi và chuyển biến tích cực. Năm 2014, Tam Đại được xếp hạng thứ 4 trong phong trào thi đua của huyện Phú Ninh”.

Cũng như nhiều nơi, Tam Đại cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho đại hội đảng bộ  xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Từ những thành công cũng như khuyết điểm, đảng bộ sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng để đưa địa phương đạt được bước phát triển mới, nâng cao đời sống nhân dân.

DUY HIỀN

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  969 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 96 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com