hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Bám núi gieo chữ (02/03/2015)
Nằm chót vót trên đỉnh núi, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Phước Lộc (xã Phước Lộc) được xem là ngôi trường nghèo nhất của huyện miền núi Phước Sơn. Ở đó, cả thầy lẫn trò luôn đối diện với thiếu thốn, khó khăn, nhưng tình yêu thương của người thầy dành cho học trò thì lúc nào cũng đong đầy.

 Nhường cơm sẻ áo cho trò

Cơn mưa chiều ào ào trút trận nước như thác đổ chẳng mấy chốc biến con đường “xoắn ốc” độc đạo dẫn vào xã Phước Lộc nhễ nhại bùn đất. Chúng tôi băng qua cánh rừng um tùm cây lá xanh nghít một màu, những đoạn đường nhấp nhô rồi rồ ga hết cỡ phóng xe vượt con dốc cao dựng đứng và kết thúc chặng đường dài mệt nhoài ở điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Phước Lộc trong tiếng thở hổn hển. Đám học trò ríu rít ùa ra khỏi lớp làm vơi đi sự uể oải của chúng tôi. Vừa cất bước từ một phòng học được chắp vá bằng các khối gỗ, thầy Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng nhà trường cười nói: “Bây chừ đường sá mở vô tận đây chứ độ mươi năm trước, muốn vào xã chỉ có nước cuốc bộ. Vài chục cây số từ thị trấn Khâm Đức vào xã Phước Lộc phải mất 3 ngày đường leo núi cao, lội suối sâu. Vất vả không thể kể xiết, và chỉ có tình yêu thương học trò nghèo mới là động lực vô hình níu chân thầy cô gắn bó với mảnh đất này. Như tôi, bám đất này gieo chữ ngót đã 20 năm”.
Lớp học ban đêm giúp học trò Trường Tiểu học - THCS Phước Lộc củng cố kiến thức. Ảnh: Tam Ca
Lớp học ban đêm giúp học trò Trường Tiểu học - THCS Phước Lộc củng cố kiến thức. Ảnh: Tam Ca
Thầy Ánh tâm sự, tự bao đời nay, cái nghèo cái khổ cứ như hòn đá tảng đè nặng trên vai đồng bào dân tộc Giẻ Triêng quanh năm bám rẫy mưu sinh. Trẻ con nằm trong độ tuổi đến trường cũng vì gia cảnh ngặt nghèo mà đành dang dở giấc mơ con chữ. Muốn học trò mặn mà với đèn sách, các thầy cô đã không quản nhọc nhằn, cất công gõ cửa từng nhà, vận động từng em tới lớp học. Dần dần, tỷ lệ học sinh mù chữ trên địa bàn xã giảm hẳn. “Hồi trước khuyên nhủ người dân cho con đi học khó khăn lắm, phải thuyết phục đủ điều và chỉ ra cho được tầm quan trọng của việc học thì bà con mới hưởng ứng. Vào buổi tối, các thầy cô ở đây còn mở lớp xóa mù chữ cho chính phụ huynh học sinh. Bây giờ khác rồi, ý thức người dân đã nâng cao, dù đói khổ mấy họ cũng cho con em mình ăn học đàng hoàng” - thầy Hoàng Công Giáp, giáo viên có thâm niên 17 năm đứng lớp ở ngôi trường này chia sẻ.
 
Vất vả không thể kể xiết, và chỉ có tình yêu thương học trò nghèo mới là động lực vô hình níu chân thầy cô gắn bó với mảnh đất này.
Mỗi thầy cô một khi đã quyết tâm bám trụ với cái nơi duy nhất của huyện chưa phủ điện lưới quốc gia và tỷ lệ hộ nghèo chạm ngưỡng 80% thì mặc nhiên họ được bà con vùng cao ở đây thân thương xem như những người con của đồng bào Giẻ Triêng. Các thầy cô chẳng khác nào “ông bụt, bà tiên” nâng đỡ học trò nghèo vượt khó tới trường. Chia sẻ về điều này, thầy Ánh trải lòng: “Nhiều năm mất mùa nương rẫy, học sinh ngay cả áo quần cũng không có mặc ấm trong mùa đông, ngồi học với cái bụng trống không. Chứng kiến cảnh đó, thầy cô đã không ngần ngại lặn lội về dưới xuôi kêu gọi ủng hộ quần áo cũ và trích tiền lương chung tay xóa đói cho học trò trước khi xóa mù chữ. Cả hội đồng giáo viên tâm niệm rằng: học trò đói thì mình đói, mình no cái bụng truyền đạt tri thức thì học trò cũng phải no cái bụng mới vực được đạo”.
 
Lắng nghe và thấu hiểu
 
Bảy giờ tối, tiếng kẻng học đêm vang lên liên hồi báo hiệu giờ tự học buổi tối bắt đầu. Hơn 100 học sinh nội trú ở khu tập thể nằm sát vách trường xếp hàng nghiêm túc theo từng lớp, chậm rãi tiến bước về gian nhà leo lét ánh sáng nhờ những bóng điện chạy bằng tua bin nước. Học sinh chia ra mỗi nhóm khoảng 5 em ngồi ngay ngắn vào bàn tự học dưới sự hướng dẫn của 3 thầy cô giáo phụ trách theo dõi hằng đêm. Trước mỗi buổi học, các thầy cô thay nhau chỉ dạy các em cách học thuộc bài nhanh, học chắc, tránh tình trạng học vẹt kiểu đối phó. Thầy Nguyễn Văn Công - Phó Hiệu trưởng nhà trường kiêm phụ trách lớp học đêm cho hay: “Hai năm nay, có dòng điện chạy bằng tua bin, trường tổ chức lớp học ban đêm cho học sinh nhằm củng cố kiến thức ngoài giờ học ở trường. Nhờ đó, kết quả học tập của học sinh tiến bộ rõ rệt. Kết thúc năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh khá tăng đáng kể. Trường có tổng cộng 9 khối học với vỏn vẹn 187 học sinh, trong khi diện nội trú 118 em nên việc sắp xếp, tổ chức cho các em tự học cũng không quá khó”.
 
Chính những buổi tối mà cả thầy và trò cùng học như thế đã thắt chặt thêm tình cảm, giúp thầy cô thấu hiểu, đồng cảm và từ đó có những sự sẻ chia kịp thời với học trò của mình. Ở trường cũng có một số trường hợp học sinh kém may mắn khi mồ côi cả cha lẫn mẹ hay bố mẹ ly hôn rồi bỏ đi biệt xứ, bỏ lại các em bơ vơ giữa đời như trường hợp của hai em Hồ Văn Hun và Hồ Thị Tường. Tưởng chừng tuổi thơ của hai em đã chôn vùi bằng việc cuốc nương, trồng rẫy kiếm cơm thì chính những đôi tay của thầy cô dang rộng kịp thời đã chắp cánh cho các em tiếp tục vững bước đến trường. “Người thầy không chỉ có trách nhiệm dạy chữ mà việc nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của học trò cũng hết sức quan trọng. Những trường hợp như Hun, Tường chỉ là hai trong số những em bất hạnh khi thiếu vòng tay che chở của gia đình và từng nuôi ý định bỏ học. Chỉ khi được thầy cô bảo bọc, thuyết phục, các em mới vững tin đi học. Hết thảy giáo viên ở đây đều yêu thương và dành sự quan tâm đặc biệt, săn sóc các em như chính con cái của mình” - thầy Ánh nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,032 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 96 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com