hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Khó khả thi ở miền núi (03/12/2014)
Như Báo Quảng Nam đã từng mở diễn đàn về vấn đề “thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học” hồi giữa tháng 11 vừa qua, đến nay sau hơn 1 tháng kể từ khi Thông tư 30 (30/2014/TT-BGDĐT) của Bộ GD-ĐT có hiệu lực, việc áp dụng nhận xét đánh giá học sinh ở khu vực miền núi bộc lộ nhiều khó khăn không thể giải quyết.

 

Các trường tiểu học ở khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn khi áp dụng Thông tư 30. Ảnh: T.ĐẠI
Các trường tiểu học ở khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn khi áp dụng Thông tư 30. Ảnh: T.ĐẠI
Khó khả thi
Huyện miền núi Nam Giang có 9 trường tiểu học và một trường gồm 2 cấp tiểu học và THCS, với gần 90% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ lâu nay, chuyện học hành của con em người dân gần như khoán trắng cho nhà trường và giáo viên, vì vậy từ khi triển khai Thông tư 30 vào thực tế, các trường đều gặp khó khăn và lúng túng. Tại Trường Tiểu học xã Zuôih, nơi có 100% học sinh là người đồng bào dân tộc Cơ Tu và có đến 30% số lớp học được ghép nhiều trình độ khác nhau, việc thực hiện đánh giá học sinh bằng lời phê hết sức khó khăn. Ngoài chuyện phụ huynh là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên không có thời gian quan tâm chú ý đến việc học của con em, thì vướng mắc của Thông tư 30 cũng rơi vào chính các giáo viên tại hầu hết trường trên địa bàn huyện do hạn chế về ngôn ngữ. “Giáo viên miền xuôi lên thì không hiểu hết tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số, còn giáo viên là người dân tộc thiểu số lại hạn chế về ngôn ngữ nhận xét, đánh giá học sinh, nên khi thực hiện Thông tư 30, một bộ phận giáo viên phải mất nhiều thời gian suy nghĩ để viết lời nhận xét phù hợp với từng đối tượng học sinh” - thầy giáo Nguyễn Nhụ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Zuôih nói. Ngoài ra, do trình độ một số phụ huynh còn thấp nên cũng khó tiếp thu hoặc không quan tâm đến những đánh giá của giáo viên đối với chuyện học tập của con em mình dẫn đến hiệu quả của việc nhận xét đánh giá học sinh theo phương pháp mới không khả thi.
 
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho rằng, mục đích của việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 là nhằm thắt chặt  mối liên hệ và tăng cường trao đổi thông tin giữa phụ huynh và giáo viên về việc học của học sinh. Tuy nhiên, áp dụng Thông tư 30 ở Nam Giang rất khó do đa số trường tiểu học trên địa bàn là trường bán trú, học sinh ở lại trường cả tuần hoặc cả tháng mới về nhà một lần nên việc nhận xét, đánh giá nhằm mục đích phối hợp với phụ huynh là điều không thể. Với các lớp ghép và các trường đang thiếu giáo viên, việc đánh giá học sinh càng khó khăn hơn khi mỗi giáo viên bộ môn (dạy một môn cho học sinh toàn trường) phải nhận xét tất cả học sinh mình đang dạy nên mất rất nhiều thời gian.
 
Tự linh hoạt
 
Việc áp dụng Thông tư 30 không chỉ gây lúng túng tại Nam Giang mà còn dễ dàng bắt gặp ở nhiều trường tại các huyện miền núi Quảng Nam như Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My… Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bắc Trà My, dù thời gian qua phòng đã mở 4 lớp tập huấn cho gần 300 lượt cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện nhưng đến nay việc triển khai vẫn gặp rất nhiều khó khăn. “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá để nghe ý kiến phản hồi từ các trường sau đó mới tính tiếp nhằm phù hợp với thực tế” - ông Tùng thông tin. Tại huyện Nam Giang, để khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua ngành GD-ĐT và các trường trên địa bàn huyện cũng đã linh hoạt đề ra nhiều giải pháp phù hợp. Tại Trường Tiểu học xã Zuôih, để đánh giá học sinh, giáo viên thực hiện bằng nhiều cách như luôn gần gũi, theo dõi và quan tâm đến tất cả học sinh để có cái nhìn thực chất và toàn diện, kịp thời động viên khích lệ giúp học sinh phấn khởi, tự tin hơn trong quá trình học tập cũng như các hoạt động vui chơi khác. Đặc biệt, thay vì ghi lời nhận xét vào vở, giáo viên nhận xét bằng lời nói nhiều hơn, như là sự chia sẻ, tâm sự để học sinh biết được kết quả học tập của mình, từ đó phấn đấu nỗ lực hơn trong học tập.
 
Cô Karing Lưu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Dêê khẳng định, muốn nhận xét, đánh giá hiệu quả, việc đầu tiên chính là tăng cường kỹ năng tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh đầu cấp. Theo đó, các giáo viên trường cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể xuống từng gia đình học sinh, gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh, tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp phụ huynh nắm bắt chủ trương của việc đánh giá nhằm quan tâm hơn đến con em mình. “Điều quan trọng là giáo viên phải có sự nỗ lực nhiều hơn trong công tác, cũng như thường xuyên quan tâm đến các đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh… của học sinh để có nhận xét xác đáng” - cô Lưu nhận định. Giáo viên các huyện miền núi cho rằng, để công tác đánh giá học sinh mang lại hiệu quả, vấn đề cơ bản nhất hiện nay là cần có giải pháp phù hợp trên cơ sở phân tích những khó khăn và điều kiện cụ thể mà nhà trường đối mặt khi thực hiện Thông tư để có hướng áp dụng thực hiện linh hoạt. Bên cạnh đó, từng tổ, khối chuyên môn cũng cần sinh hoạt định kỳ để trao đổi, đảm bảo những đánh giá, nhận xét không mang tính so sánh học sinh này với học sinh khác gây tác động không tốt đến tâm lý học sinh. “Dù các trường có linh hoạt thế nào thì cũng chỉ mang tính ứng phó tạm thời. Tôi nghĩ ngành giáo dục cấp trên nên có những giải pháp phù hợp khi áp dụng vào từng vùng đặc thù theo tình hình cụ thể chứ không thể đồng nhất được” - cô Karing Lưu nói.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,221 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 71 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com