hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Điểm tựa thoát nghèo bền vững (02/12/2014)
Với quyết tâm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nghèo và cận nghèo, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã bám sát thực tế để có giải pháp hỗ trợ phù hợp đem lại hiệu quả thiết thực. Xã Bình Định Nam (Thăng Bình) và phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) là hai điển hình như thế.

 

 

Trao phương tiện sinh kế và con vật nuôi cho các hộ nghèo ở phường Tân Thạnh. Ảnh: VÕ LY
Trao phương tiện sinh kế và con vật nuôi cho các hộ nghèo ở phường Tân Thạnh. Ảnh: VÕ LY

Hỗ trợ có lựa chọn

 Trên cơ sở các chủ trương của tỉnh và của huyện về hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, xã Bình Định Nam xây dựng kế hoạch thực hiện. Khi các hộ đăng ký thoát nghèo, Đảng ủy xã chỉ đạo các hội, đoàn thể tập trung rà soát  đảm bảo công khai, dân chủ và phân tích các hộ có khả năng lao động, có chí hướng và kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh; trong đó, ưu tiên hộ khó khăn hơn. Tính đến tháng 10.2014, toàn xã Bình Định Nam có 27 hộ đăng ký thoát nghèo. Trên cơ sở danh sách đăng ký, qua kiểm tra, xã chọn ra 10 hộ để trao bò (15 triệu đồng/con), đồng thời những hộ này phải ký cam kết thoát nghèo bền vững, không tái nghèo và có hướng làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các hộ phải đồng ý điều kiện làm chuồng trại phía sau nhà và không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo nuôi gia súc theo tiêu chí nông thôn mới.

Bà Trương Thị Chuyên (thôn Châu Xuân Đông) thuộc diện hộ phụ nữ nghèo đơn thân, có một con trai đang học đại học nên cuộc sống càng vất vả. Dù vậy, năm 2014 bà Chuyên vẫn làm đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Sau khi rà soát và kiểm tra về điều kiện thoát nghèo, gia đình bà Chuyên được UBND xã Bình Định Nam chọn là một trong 10 hộ được hỗ trợ. Bà Chuyên chia sẻ: “Trước đây tôi cũng nuôi con bò cái lai sinh sản, nhưng chuồng trại chưa đảm bảo. Ngay sau khi làm xong chuồng trại đáp ứng điều kiện của xã, gia đình tôi mua thêm con bò từ số tiền 15 triệu đồng hỗ trợ thoát nghèo của xã. Sự hỗ trợ này càng tiếp thêm cho tôi niềm tin hoàn thành mục tiêu thoát nghèo bền vững”.

Ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, không dễ lựa chọn 10 hộ đăng ký thoát nghèo trong 27 hộ để hỗ trợ bò. Khi triển khai phương án này, UBND xã đã phải phối hợp với chi bộ, ban công tác mặt trận và tổ trưởng dân cư ở từng thôn rà soát, họp xét, phân tích rồi mới quyết định lựa chọn trường hợp được hỗ trợ. “Trong quá trình phân tích phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, tránh tình trạng hỗ trợ nhầm hoặc thiếu. Đối với các hộ hỗ trợ phải tìm hiểu xem ý thức thoát nghèo và điều kiện phát triển chăn nuôi” - ông Danh nói. Để có nguồn kinh phí hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo, ngoài 40 triệu đồng trích từ số tiền tiết kiệm chi của UBND xã, chính quyền địa phương vận động hội viên cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên đóng góp, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức ngoài xã. Đến năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 11,7% (năm 2007 hơn 30%), với mức bình quân mỗi năm giảm từ 10 hộ nghèo. Và với việc có đến 27 hộ đăng ký, trong đó 10 hộ đủ điều kiện có thể vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của Bình Định Nam sẽ giảm mạnh trong đợt khảo sát đánh giá vào đầu năm tới là điều có thể dự lường. Ông Danh cũng chia sẻ rằng, hỗ trợ bò cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo chính là thực hiện có hiệu quả nghị quyết về giảm nghèo mà Bình Định Nam đã đề ra và là mục tiêu phấn đấu giảm nghèo của xã trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Nắm bắt nhu cầu thực tế

Phường Tân Thạnh nằm ở khu vực phía bắc của TP.Tam Kỳ, gồm 8 khối phố với gần 2.280 hộ dân. Trong đó có 2 khối phố người dân còn chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp là Đoan Trai và Trường Đồng nên đời sống khó khăn hơn, số hộ nghèo của phường tập trung ở đây là chủ yếu. Trong những năm qua, cấp ủy đảng, UBND phường cùng mặt trận đoàn thể các cấp đã triển khai nhiều chương trình hiệu quả giúp người dân nâng cao đời sống kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh, công tác điều tra khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của từng hộ nghèo là điều rất quan trọng trong công tác giảm nghèo. Bởi lẽ, dựa trên cơ sở đó, chính quyền địa phương mới đưa ra được những biện pháp hỗ trợ thiết thực, linh hoạt giúp người dân. Cụ thể như đối với hộ nghèo có nhu cầu vay vốn hoặc cần phương tiện để phát triển kinh tế, địa phương sẽ tư vấn, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ phương tiện sản xuất. Đối với hộ không có khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, không thể hỗ trợ bằng cách cho vay vốn mà địa phương sẽ trợ cấp bảo trợ xã hội, đồng thời vận động sự giúp đỡ thường xuyên của các hội đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để họ có thể ổn định cuộc sống. Với những gia đình có con trong độ tuổi đi học sẽ được tư vấn vay vốn dành cho học sinh, sinh viên để có điều kiện tiếp tục cho con em đến trường.

Cùng với đó, sự vào cuộc của mặt trận, hội, đoàn thể đã góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo trên địa bàn phường. Với vai trò vừa là tham mưu vừa tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, MTTQ phường Tân Thạnh đã khảo sát và xây dựng kế hoạch cụ thể, luôn bám sát tình hình từng khối phố và điều kiện hoàn cảnh của từng hộ để tham mưu cho Ban chỉ đạo giảm nghèo phường xây dựng kế hoạch xóa nghèo bền vững. Ông Huỳnh Văn Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Thạnh cho biết, trong năm 2014, Quỹ vì người nghèo phường đã vận động được 140 triệu đồng, góp phần cùng các nguồn phân bổ của thành phố để hỗ trợ sửa chữa và xây mới 2 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ 5 phương tiện sinh kế và con vật nuôi…, qua đó giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo”. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo chung của phường Tân Thạnh. Riêng trong năm 2014 đã có hơn 40 doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của phường tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Có 5 doanh nghiệp nhận đỡ đầu thường xuyên cho các trường hợp già yếu, neo đơn… Ông Phan Văn Ngọc nhấn mạnh: “Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương mà số hộ nghèo hiện nay của phường giảm còn 15 hộ, chiếm 0,66% dân số và hiện đã có 3 khối phố không còn hộ nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát nhu cầu thực tế của hộ nghèo để có sự hỗ trợ phù hợp, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2015 trên địa bàn phường Tân Thạnh không còn hộ nghèo”.

GIANG BIÊN - VÕ LÊ

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,071 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 70 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com