hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Trồng thực nghiệm cây sâm mô Ngọc Linh: Nguy cơ cây chết hàng loạt (07/11/2014)
Từ thành công trong phòng thí nghiệm, 2.000 cây sâm mô đã được ban chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” trồng thực nghiệm tại đỉnh Ngọc Linh (Nam Trà My), song hiệu quả chưa như mong đợi.

 Đưa sâm mô ra thực địa

ThS. Phan Thị Á Kim - chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” cho hay, đến nay đề tài bước đầu đã thành công, cây sâm mô đã phát triển tốt trong môi trường phòng thí nghiệm với tổng số cây con hơn 3.000 cây. Trong đó, 2.000 cây con đạt chuẩn đã được ban chủ nhiệm đề tài chuyển giao cho Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, tổ chức trồng thực nghiệm tại đỉnh Ngọc Linh. Theo ThS. Phan Thị Á Kim, cây sâm mô trước khi bàn giao cho đơn vị tiếp quản đạt tiêu chuẩn tốt với chiều cao 8 - 10cm, có bộ rễ củ (tức bộ rễ hoàn chỉnh). Các bước đưa cây sâm mô ra thực địa đã được ban chủ nhiệm đề tài chuẩn bị kỹ càng, từ việc huấn luyện cây con trong phòng thí nghiệm đến chuẩn bị vườn ươm, chuẩn bị giá thể huấn luyện cây mô. “Vườn ươm nằm ở tận đỉnh Ngọc Linh, vận chuyển cây từ phòng thí nghiệm ra thực địa hết sức khó khăn, phải vượt quãng đường rừng suốt mấy ngày trời. Để bảo quản cây sâm mô, chúng tôi đã chuyển cây sang những hộp nhựa chịu nhiệt trong môi trường quang tự dưỡng trước đó khoảng 2 - 3 tuần để tránh bị dập nát khi vận chuyển. Những hộp nhựa này được đóng gói cẩn thận trong các thùng xốp đảm bảo nhiệt độ lạnh 22 - 24oC trong quá trình vận chuyển” - ThS. kim cho hay.
Cây sâm mô thành công trong phòng thí nghiệm. Ảnh: B.LIÊN
Cây sâm mô thành công trong phòng thí nghiệm. Ảnh: B.LIÊN
 
Nhằm đưa cây sâm mô ra thực địa, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Trạm Dược liệu Trà Linh chuẩn bị vườn ươm với đầy đủ các điều kiện cần thiết, đáp ứng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây con sau này. Vườn ươm phải đảm bảo độ che phủ đạt hơn 90%, độ ẩm cao 70 - 80%, độ dốc vừa phải, đất có thảm thực vật dày, nhiều mùn… Ngoài ra, vườn ươm cây sâm mô con được thiết kế có mái che, xung quanh có rào lưới che chống côn trùng, sâu bọ, có hệ thống tưới phun sương. Giá thể huấn luyện cây sâm mô vốn được chế biến từ cây thủy tảo nhập từ Đức và ½ xác bã thực vật đã xử lý hoai mục, đã xử lý sạch nấm bệnh và vi khuẩn. Đây là loại giá thể đã từng được nhiều cơ sở nuôi cấy mô sâm sử dụng và đánh giá phù hợp với cây sâm con.
 
Nấm bệnh hoành hành
 
Theo ban chủ nhiệm đề tài, qua theo dõi cây sâm con khi mới trồng, thời gian đầu có biểu hiện phát triển tốt trong môi trường vườn ươm. Tuy nhiên, sau thời gian trồng thực địa, cây con đạt khoảng 17 - 18 ngày tuổi có biểu hiện héo, rũ, ngã gục chết hàng loạt. Thời điểm đó, hàng loạt diện tích sâm của Trạm Dược liệu Trà Linh cũng có hiện tượng tương tự. “Do địa bàn cách trở, cộng với việc chúng tôi tiếp nhận thông tin về nấm bệnh có phần trễ nên đến khi can thiệp thì một phần lớn sâm con trong vườn ươm đã bị chết. Đến đầu tháng 10.2014, trong số 2.000 cây con chuyển giao trồng tại vườn ươm thì tỷ lệ sống sót chỉ còn 30 - 40%” - ThS. Kim nói.
 
Thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Sở Khoa học - công nghệ và Trạm Dược liệu Trà Linh đã nỗ lực cứu vườn sâm mô khỏi nguy cơ chết hàng loạt. Theo kết luận của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, sở dĩ cây con có biểu hiện trên và dẫn đến chết hàng loạt là do bị tấn công bởi một chủng nấm có tên khoa học là Rhizoctonia So Lani hay còn gọi là nấm cổ rễ. Đây là chủng nấm gây bệnh lở cổ rễ, phổ biến ở giai đoạn cây còn nhỏ, làm cây bị nhũn phần giữa cuống, củ, chết lá, ngã gục chết. Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nóng ẩm và phát sinh theo từng chòm, lây lan trên diện rộng. Được biết, từ trước đến nay, tình trạng nhiều diện tích sâm của Trại Dược liệu Trà Linh bị chết rũ do nhiễm nấm với số lượng cây bị chết lên tới hàng chục nghìn cây như trên cũng là điều hiếm gặp.
 
Sau khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, ban chủ nhiệm đề tài đã đề nghị đơn vị tiếp quản sâm mô thu gom, tiêu hủy cây bị bệnh; xẻ mương thoát nước và chống ẩm ướt trong vườn trồng, đồng thời sử dụng hóa chất được cấp để phun, tưới cây theo lượng phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường bổ sung phân hữu cơ, chế phẩm Trichodema để hạn chế khả năng phát sinh bệnh trên cây… “Qua xác nhận, tình hình đã có chuyển biến khá, số cây còn lại không còn héo rũ, ngã gục. Có thể là hướng chữa trị đã phù hợp. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến để có hướng ứng phó kịp thời” - ThS. Kim khẳng định.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  2,005 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 7 1 2 3 4 5 6 7
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com