hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Trồng nấm rơm trong nhà - mô hình kinh tế hiệu quả cho nhà nông (20/10/2014)
Mấy năm qua, người dân ở xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình đã mở rộng nhiều mô hình sản xuất mới để cải thiện đời sống. Trong đó, trồng nấm rơm trong nhà được xem là mô hình hiệu quả, giúp tăng thêm thu nhập gia đình, tận dụng được nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa.

 Vùng Tây của huyện Thăng Bình, gồm 7 xã là Bình Phú, Bình Chánh, Bình Quế, Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định Nam, Bình Định Bắc sản xuất chủ yếu là cây lúa với diện tích đất nông nghiệp gần 9.700 ha, sản xuất 2 vụ/năm, lượng rơm rạ mỗi năm thu trên vài chục ngàn tấn, trong đó chỉ có khoảng 1/2 được dùng cho chăn nuôi, số còn lại bán với giá rẻ chỉ 90.000 đ/sào, hoặc bỏ mục, hoặc phải đốt đi. Phát triển làm nấm rơm không chỉ khắc phục được những tồn tại nói trên, mà còn đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.

     Đến thăm gia đình anh Huỳnh Văn Toán và chị Lê Thị Mai, trú tại thôn An Bình, xã Bình Chánh, chúng tôi có dịp tìm hiểu cụ thể về mô hình hiệu quả này. Được biết, anh Toán và chị Mai đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề trồng nấm rơm trong nhà kín. Điều đáng khâm phục là anh chị đã tự mày mò học hỏi, nghiên cứu mô hình này qua mạng Internet và báo đài để áp dụng và dần rút kinh nghiệm để mở rộng quy mô sản xuất chứ không qua lớp đào tạo, tập huấn nào cả. Điểm thuận lợi của mô hình này là không tốn nhiều diện tích đất, anh Toán chỉ tận dụng không gian xung quanh nhà để xây dựng nhà kín. Anh nhận xét, nấm trồng trong nhà kín cho năng suất cao gấp 2-3 lần, đồng thời tiết kiệm được hơn 50% lượng rơm so với cách làm cũ. Việc chăm sóc cũng ít tốn công sức hơn. 

     Anh Toán cho biết về kinh nghiệm để thành công trong nghề trồng nấm đó là rơm phải sạch, không nhiễm những lọai nấm mốc ký sinh; chọn giống cũng cần phải chú ý kỹ đến meo giống vì meo giống tốt là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc trồng nấm. Quy trình làm nấm rơm sạch cũng đơn giản: Đầu tiên là khâu xử lý rơm bằng nước vôi rồi đến giai đoạn ủ rơm khoảng 10 ngày. Sau đó đóng gói, cấy meo, rơm sau khi xử lý, trộn đều và nén chặt thành từng khối. Tiếp theo là cấy meo giống vào 2 đầu khối, sau đó gói kín bằng tấm nylon đậy kín, sau 6 ngày đưa vào nhà trồng. Giai đoạn này, cần chú ý tưới nước để đảm bảo độ ẩm cho nấm phát triển. Sau khi xếp lên giàn 6 ngày thì tháo bịch cho nấm phát triển. Chu kỳ phát triển của nấm rơm sạch là 23 ngày, sau khi hái đợt nấm đầu tiên sẽ thu hoạch thêm khoảng 30 ngày nữa. Những mô rơm sau khi trồng nấm có thể tận dụng để làm phân bón trong trồng trọt rất tốt. Trung bình, một vụ vợ chồng anh chị thu hoạch nấm từ 180-200kg, giá bán 60 ngàn đồng/kg, trừ chi phí một vụ anh chị thu lãi được gần 10 triệu đồng.


Ảnh: Anh Toán và chị Mai đang đóng gói và cấy meo vào khối rơm sau khi đã xử lý

     Chia sẻ với chúng tôi, anh Toán cho biết: “Trồng nấm rơm trong nhà không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư nhưng đòi hỏi người trồng nấm phải nắm vững kiến thức về nhu cầu sinh thái của nấm để có thể linh hoạt điều chỉnh các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của nấm, nếu thời tiết thuận lợi cộng với yếu tố giống meo tốt thì nấm sẽ nở to đều, mỡ màng và sạch. Tuy nhiên, khó khăn nhất của người trồng nấm là năng suất nấm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, những hôm trời nóng quá thì nấm ít ra trái. Ngoài ra, người trồng nấm cần phải siêng năng, chịu khó từ khâu thu gom rơm, xử lý nguyên liệu, cấy giống đến chăm sóc, xử lý các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm nhà trồng".


Ảnh: Những mô nấm được trồng trong nhà kín của hộ gia đình anh Toán 
đang bắt đầu ra trái

     Nhận xét về mô hình làm kinh tế này, ông Lê Văn Thạnh- Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết: “Mô hình trồng nấm rơm của gia đình anh Toán là một mô hình làm ăn rất hiệu quả và khoa học. Chúng tôi sẽ khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện mô hình này để thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững”.

     Tuy nhiên, người trồng nấm hiện nay đang gặp phải những khó khăn đó là vấn đề nguồn nguyên liệu, do rơm rạ sử dụng từ máy gặt đập liên hợp rất khó thu gom, thứ hai là vấn đề thị trường không ổn định. Nói về định hướng phát triển nghề trồng nấm rơm trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Khương - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Giải pháp cấp thiết là cần quy hoạch các vùng trồng nấm tập trung để chủ động đặt hàng về nguồn nguyên liệu, nghiên cứu cải tiến phương tiện cơ giới hóa thu hoạch để thu gom rơm phục vụ cho nghề trồng nấm, vấn đề quan trọng nữa là cần tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất nấm rơm giúp người dân yên tâm sản xuất”. Ông Khương nói thêm: “nghề trồng nấm hiện nay đang phát triển mạnh ở các xã Bình Tú, Bình Quý, Bình Chánh, Bình Trị,…Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện và Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn cho bà con để nhân rộng mô hình này tại các địa phương khác trên địa bàn huyện. Phát triển nấm rơm đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân, nhất là đối với những địa phương lâu nay độc canh cây lúa".
 
Theo Thangbinh.gov.vn
 

Lượt xem:  6,550 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 7 1 2 3 4 5 6 7
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com